Trên đỉnh Charlie: Một lần đến để nhớ!

Thứ năm – 02/05/2019 16:00 

Con đường trên đỉnh Charlie bằng phẳng. Chạy thêm một đoạn, gặp một chiếc xe kiểu pick-up mang biển số 77… và một căn trại dã chiến đang bốc khói nghi ngút.

Đỉnh Nhảy Dù trên núi Charlie

Bữa trưa… miễn phí!
Ghé vào để hỏi thăm đường và có chút thời gian nghỉ chân. Sau vài câu hỏi xã giao, nhận ra giọng Bình Định của nhau, vậy là câu chuyện cởi mở hơn. Khi tôi nói về mục đích chuyến đi, ông Hồ Văn Hưng, giám đốc công ty Trường Hưng (Quy Nhơn) kể: “Trước đây, những ngọn núi ở dãy Charlie chỉ toàn cỏ tranh và hố bom. Năm 2001, những cây thông đầu tiên được trồng ở đây. Vì những cánh rừng thông này mà chúng tôi mới có mặt”. Năm nay, công ty Trường Hưng trúng gói thầu “vệ sinh rừng”, bao gồm những phần việc: mở đường từ Poko lên núi, trồng thông non, chặt bỏ những cây thông bị bệnh, vận chuyển gỗ về nhà máy ở Kon Tum… Cũng theo lời ông Hưng, bây giờ dãy Charlie đã có hơn 2.500 ha thông trải dài qua 3 huyện: Đăk Tô, Ngọc Hồi và Sa Thầy.

Những chuyến xe chở gỗ thông trồng trên Charlie về nhà máy tận Kon Tum để chế biến

Câu chuyện về rừng thông trên đỉnh Charlie gián đoạn khi bữa cơm trưa được dọn lên bàn. “Bếp trưởng” Sơn cho biết: thịt heo và cải cay mua ở thị trấn Đăk Tô, cá đem từ Quy Nhơn, ớt rừng hái trên đỉnh núi… Một bữa cơm giữa rừng sao mà bắt mắt, bắt miệng. Giám đốc Hưng cười: “Cho anh em ăn ngon để họ có sức làm. Nhờ Sơn hết đó. Một tay ảnh mà lo cho mấy chục con người. Mình cứ ăn trước, tài xế ăn sau. Anh cứ ăn cơm trưa với tụi tui. Đường xuống còn xa lắm”. Bưng chén cơm mà nghẹn. Nếu không gặp anh em làm rừng, biết đường nào mà về…
Sơn ít nói, gặng hỏi mãi, anh mới cho biết, cắm trên đỉnh Charlie từ đầu năm nay, tết mới về nhà. “Mấy ngày đầu tiên lên đây sợ lắm, không đêm nào ngủ được. Chắc mấy chú, mấy bác thương nên không có chọc ghẹo gì. Đến tết mới về nhà. Ráng làm kiếm tiền nuôi con”, Sơn nói.
15 phút sau, 4 chiếc xe chở gỗ dừng lại trước căn trại dã chiến. 4 chú tài xế còn trẻ tuổi “rổn rảng cả một góc rừng” rồi đi thẳng vào bếp. Mỗi chú một tô. Quay qua quay lại đã thấy ngồi hút thuốc. Không hiểu với chiều cao khiêm tốn, lại nhẹ cân mà những chú tài xế này có thể ôm vô-lăng qua bao nhiêu con dốc ngược, dốc xuôi với những chiếc xe 15 tấn. Giám đốc Hưng cười ha hả: “Ngó vậy mà lì. Đường khô là chuyện thường, đi mùa mưa mới thấy sợ. Nhưng không sao, quen đường rồi”.
Nguyễn Đình Trang (33 tuổi, quê ở Hoài Ân, Bình Định) gắn bó với những con đường trên đỉnh Charlie từ 2 năm nay, kể từ khi rừng thông đến tuổi làm “vệ sinh”. “Lúc mới chạy lên cũng sợ lắm, bên vách đá, bên vực sâu. Mùa mưa quấn xích vào bánh”, Trang kể. Có ngày anh chạy 2 chuyến. Mỗi chuyến chở 7 – 10 tấn gỗ với giá 170.000đ/ tấn. Trừ hết chi phí, mỗi tháng còn dư khoảng chục triệu đồng, gởi về quê cho vợ nuôi đứa con 10 tuổi. Trần Thái Phụng (26 tuổi, quê ở Ngọc Hồi, Kon Tum) cười tươi: “Ai cũng nghĩ em làm sao ôm được xe, vậy mà chạy ở Charlie được 3 năm rồi đó. Ngày nào chạy, em cũng khấn mấy ông ở rừng phù hộ cho tụi em bình an”.

Xuống núi
Từ ngã ba Đăk Tô lên tới đỉnh Charlie, chạy xe mất 3 tiếng đồng hồ. Rồi dành 2 tiếng đồng hồ ăn cơm và nói chuyện với anh em ủi đường, trồng rừng, lái xe… Đã đến lúc xuống núi. “Hồi sáng, anh lên Charlie từ phía Đăk Tô. Bây giờ tui có việc ở bên Ngọc Hồi. Từ đây về tới xã R’Cơi khoảng 16 cây số nữa. Nếu anh muốn đi thì theo tui. Nhưng nói trước là đường khó đi lắm, như dốc Pháo binh, nhìn xuống đã thấy chóng mặt”, T., nhân viên giữ rừng cười một cách “hăm dọa”. Anh tiết lộ, đã có nhiều người nhờ đưa khách du lịch Tây có, Ta có lên Charlie nhưng anh từ chối vì bận việc. Còn với tôi, anh tình nguyện làm người đồng hành… xuống núi!

Miếu thờ những người nằm xuống trên núi Charlie

Nghe nói vậy, thấy lo lo nhưng quay trở lại đường cũ cũng có bằng phẳng đâu. Vội vã chia tay những anh công nhân, theo chân anh nhân viên giữ rừng, bắt đầu hành trình xuống núi trước khi mặt trời lặn.
Chạy chừng vài cây số trên đỉnh là hết rừng thông. Con đường mới ủi vắt ngang gần đỉnh đồi Pháo binh. Theo lời của T., đỉnh núi cao nhất dãy Charlie là đỉnh Pháo binh với độ cao 1334m. Cách đó chừng 2km là đỉnh Nhảy dù. “Nếu bây giờ mà dò đường qua Nhảy dù sợ không kịp, hẹn dịp khác tui sẽ đưa anh qua. Giờ đứng đây nhìn cũng được. Bên đó không còn gì hết. Đã 45 năm rồi”.
Trên hai ngọn đồi này chỉ rặt tranh và lau sậy đã ngả màu vàng. Những cơn gió chạy dài từ chân núi lên tới đỉnh, tạo hình như những con sóng. Hết đợt sóng này đến đợt sóng khác. Ngàn năm sau vẫn vậy…
Hít một hơi thở dài, tôi đổ dốc Pháo binh trong nỗi sợ vì lần đầu tiên thấy một con dốc cao và dài như vậy. Hạ hết ga, trả về số 1, sử dụng toàn bộ thắng kể cả hai chân. Mặt đường đá cục như nắm tay. Bánh xe cứ trẹo qua trẹo lại. Mồ hôi cay mắt!
Đồng hồ chỉ 4 giờ chiều. Anh nhân viên giữ rừng đưa tôi đến một cái miếu khá lớn, được xây vào năm 2009. Lưng miếu quay về hướng đỉnh Nhảy dù. Miếu thờ một chữ “Thần”. Thắp nén nhang cho vong linh hàng ngàn người đã nằm xuống trên đỉnh núi này, trong đó có trên 20 công nhân trồng rừng sau này bị vướng bom đạn còn sót lại như lời kể của một tài xế trong bữa cơm trưa. Rời khỏi miếu, tôi hỏi, vì sao chưa trồng thông hết dãy núi này, anh nhân viên giữ rừng im lặng. Tôi mơ hồ nhận ra một điều gì đó khó kể, khó nói…

Những khoảng nắng trên đỉnh Nhảy dù

Nhìn về núi Charlie, một khoảng nắng  trên đỉnh Nhảy dù. Những cơn dốc kế tiếp thấp hơn. Bắt đầu hiện ra rẫy mì, rẫy cà phê và những bóng người liu xiu trong nắng chiều. Mặt trời đã đậu trên đỉnh Chư Mom Ray phía đối diện…
Hoàng hôn đã về. Charlie giờ chỉ còn là khối đen sẫm. Nhìn từ xa, đỉnh Nhảy dù như con voi phục, đầu hướng về phía Nam…

Pleiku 11.2016
Mỹ Thạch

Có thể bạn quan tâm: