Hàng rong tiên phong “thời đại… 4.0”!

Thứ bảy – 04/05/2019 16:30

Không cần xếp hàng, chỉ ngồi ở phòng làm việc, nhí nhoáy vài phút, trả thêm ít tiền giao hàng (quen gọi là shíp)… sẽ có những món của thời thơ ấu, thời đang yêu… Nhiều món hàng rong giờ đã lên “áp” (application – ứng dụng). Mấy bà hàng rong ý thức rất rõ chuyện xâm nhập vào “thời đại… 4.0”!

Xe khô bò của dì Sáu trên đường Hai Bà Trưng (Q.1) khi mở cửa là có khách đặt hàng qua Grabfood

Bỗng dưng một ngày… lên “áp”!
T.H nay đã bước qua tuổi 40, là dân Sài Gòn chánh hiệu, kể: mỗi lần đi ngang qua đường Hai Bà Trưng (Q.1) là “nhớ xe khô bò của dì Sáu tha thiết”. “Hồi mới yêu, tui với ông xã cứ ngồi bên công viên Lê Văn Tám, đi bộ qua mua khô bò. Ăn riết rồi ghiền. Một tuần ăn 2 – 3 lần. Sau này thành vợ thành chồng, tuần nào cũng ghé nhưng mua về nhà ăn”, bà H. kể.
Chỉ là một xe bán gỏi đu đủ bò khô ven đường (259A Hai Bà Trưng, Q.1, trước tòa nhà Khatoco) vậy mà bao nhiêu thế hệ nhớ. Nhờ xe gỏi đó mà dì Sáu nuôi con du học tận Mỹ, thỉnh thoảng mỗi năm qua đó mấy tháng. Năm ngoái, chừng tháng 8, cứ 3 – 4 giờ chiều, xe khô bò dì Sáu có thêm mấy anh GrabFood, Go Viet… bao vây. Hỏi ra mới biết vì quá nổi tiếng nên các dịch vụ Grab, GoViet, Now mời dì Sáu bán hàng trên “áp” của họ.

Xe cháo sườn – thịt bằm cô Giang hơn 20g cũng còn khách đặt hàng

Nằm ở con hẻm 62 Lý Chính Thắng (Q.3) có một quán lụp xụp bán món bún Thái. Cuối năm ngoái thấy sắc đỏ của Now, GoViet, rồi GrabFood đứng chờ tới lượt để mua giùm cho khách. Ngon dở chẳng biết, chỉ đoán là có người ghiền món này nên mới lên “áp” nhờ dịch vụ giao nhận mua giùm.
Tại 164 Nguyễn Oanh (Gò Vấp) là chỗ đậu quen thuộc của chiếc xe đẩy bán cháo sườn – thịt bằm mang tên cô Giang với giá từ 15 – 35.000 đồng tùy theo khách gọi thêm trứng vịt bắc thảo, sườn thêm… Xe cháo sườn này đã lên Foody từ cuối tháng 11.2017. Giờ xe cháo này có mặt trên Grabfood, Now… và đã có fanpage trên Facebook với gần 2.000 người theo dõi. Cũng có lời chê nhưng phần lớn khách hàng khen “chất cháo” của cháo cô Giang. Nghe nói xe cháo sườn cô Giang còn có “chi nhánh” trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1).
Bán nhiều hàng hơn
Trong một nghiên cứu gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Gcomm, những tiêu chí quan trọng được khách hàng xem xét khi quyết định lựa chọn dịch vụ đặt món qua “áp”, không phân biệt đó là xe đẩy vỉa hè hay là hàng quán sang trọng: 65% chọn tốc độ giao hàng nhanh, 58% thích món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ; 56% tin chất lượng; 45% chọn vì giá cả chấp nhận được…
Hỏi dì Sáu giờ bán buôn ra sao, một nhân viên giúp việc cho dì nhanh nhảu nói: “Từ ngày hàng chạy trên mạng, bán nhiều lắm. Có bữa, vừa dọn xe ra (12 giờ trưa) là thấy mấy ông Grab, GoViet chạy tới. Bán mệt tay luôn”. Cô nhân viên trẻ này cho biết, mỗi đơn hàng của “mấy ông Grabfood, Go Viet, Now…” thấp nhất cũng 100.000 đồng. Còn theo đánh giá của Grabfood, lợi nhuận của các hàng quán đã tăng 300% trong vòng 2-3 tháng kể từ khi họ sử dụng “áp” vì được khách hàng biết đến nhiều. Không tiết lộ số tăng tuyệt đối mà theo Grabfood, số lượng đối tác kinh doanh ăn uống của GrabFood đã tăng gấp 10 lần kể từ khi triển khai dịch vụ Grabfood vào tháng 6.2018.

Lên “áp” không khó
Chia sẻ với Di Động Việt Nam, đại diện GrabFood cho biết, để hợp tác, hoặc là đội ngũ GrabFood chủ động liên lạc với các nhà hàng, quán ăn…. để mời làm đối tác hoặc chủ quán tự đăng ký làm đối tác của GrabFood tại website: https://www.grab.com/vn/merchant/food/ sau đó nhân viên của GrabFood tiếp nhận thông tin và chủ động liên lạc để hoàn tất các thủ tục trước khi trở thành đối tác chính thức. 
Kể từ khi dịch vụ mua giùm thức ăn có mặt tại các đô thị lớn Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Vũng Tàu…, Grabfood cho biết hiện số lượng quán ăn, nhà hàng… làm đối tác ngày càng tăng mạnh. Foody giờ đã có vài chục ngàn đối tác. GrabFood, chỉ tính riêng tại Sài Gòn, cũng lên tới con số vài chục ngàn quán… Cuối năm 2018, theo khảo sát của hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), dịch vụ giao đồ ăn của Now.vn, GrabFood, Go Viet, Loship, Vietnammm… tăng 30 – 70%, có một dịch vụ giao đồ ăn có tốc độ tăng trưởng 200%. Để cạnh tranh, các dịch vụ giao nhận thường xuyên giảm giá từ 5 – 10% so với giá niêm yết, miễn phí giao nhận và… xa mấy cũng mua để đáp ứng nhu cầu của khách.
Vậy đó, nếu món ăn ngon, sạch sẽ và có giá chấp nhận được sẽ được khách đặt hàng mà không kể sang hèn… Ai dám nói chỉ có mấy tập đoàn mới biết đến 4.0? Hãy học cách làm “kinh tế số” của mấy xe bán hàng rong nhen!

Trọng Hiền

Có thể bạn quan tâm: