Chuyện “đặc khu Zalo” ở VNG

Thứ năm – 25/07/2019 00:06 

Không hề quá lời khi nói rằng, “Zalo là cộng đồng ứng dụng Việt lớn nhất tại thị trường Việt Nam cách đây… 6 năm”. Dù chưa có con số chính thức từ Zalo nhưng nhẩm tính đến nay, ứng dụng này đã có trên 100 triệu tài khoản kích hoạt. Cộng vào đó, lời khen từ lãnh đạo các cấp đã làm “Zalo đứng trên đỉnh vinh quang chói lọi”!

Ngõ nào cũng thấy
Theo thống kê của viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (bộ Thông tin và Truyền thông) công bố vào đầu năm 2019: Zalo chiếm gần 47 triệu người dùng với thời gian sử dụng là 2,12 giờ/ ngày. Nếu kê khai chi tiết, hiện nay mỗi ngày, trên Zalo, người dùng gửi và nhận gần 1 tỷ tin nhắn, 50 triệu phút gọi và 45 triệu tấm hình. Tại Việt Nam, Zalo chỉ đứng sau Facebook là 3,55 giờ/ ngày với 60 triệu người dùng và YouTube là 2,65 giờ/ ngày với 50 triệu người dùng.

Nhiều hội thảo, diễn đàn về thương mại điện tử gần đây thường thấy Zalo Business xuất hiện. Ảnh: Trọng Hiền

Với lượng khách hàng sử dụng Zalo đông như vậy, từ năm 2016, ứng dụng này đã được nhiều nhà bán lẻ coi là “bà đỡ” không thể thiếu được trong hành trình kinh doanh trực tuyến. Nhiều hội thảo, diễn đàn về kinh doanh trực tuyến luôn xuất hiện dịch vụ Zalo Business. Tháng 10.2018, Haravan, nhà phát triển các công cụ bán hàng đã cung cấp các giải pháp bán hàng trên nền tảng Zalo. Ông Huỳnh Lâm Hồ, giám đốc Haravan cho rằng, Zalo là hạ tầng phù hợp để cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.

Không chỉ dành cho cá nhân và doanh nghiệp, từ 2017 tính tới tháng 7.2019, Zalo còn được chính quyền của 26 tỉnh thành: Đà Nẵng, Gia Lai, Lào Cai, Sóc Trăng, Đồng Nai, Tiền Giang, Thái Bình, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Cà Mau… sử dụng trong các dịch vụ “hành chính công… 4.0”. Tại TP.HCM, vào cuối năm 2018, có nguồn tin cho biết, lãnh đạo của một sở đã có nhiều tuyên bố khá mạnh bạo khi từ chối sử dụng Zalo vì còn nhiều nghi ngại về tính an toàn dữ liệu. Nhưng ngày 6.4.2019, UBND Q.3 đã khởi động trang thông tin “Quận 3 trực tuyến” trên nền tảng ứng dụng Zalo để giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức khi muốn giao dịch các thủ tục hành chính. Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã tích hợp cổng thông tin giao thông TP.HCM trên Zalo vào ngày 18.9.2018. Lãnh đạo Sở này còn cho rằng, việc tích hợp cổng thông tin giao thông TP.HCM trên Zalo là một trong những nội dung của đề án “Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến 2025”!

“Số 1”
Đầu năm 2019, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều bộ trưởng đã dành nhiều thời gian để ghé gian hàng Zalo. Phó tổng giám đốc Vương Quang Khải đã kể cho Thủ tướng nghe về “khát vọng và tư duy khác biệt của những người làm Zalo” với khẩu hiệu quen quen từ vài chục năm trước: “Ở đâu có người Việt, ở đó có Zalo”.

Với những gì đã làm được trong gần 7 năm qua, Zalo có quyền tự hào là ứng dụng OTT số 1 của Việt Nam. Theo dõi “sử ký Zalo”, không thể không thán phục tầm nhìn và mức độ “lì đòn” của VNG và nhóm thực hiện Zalo. Tháng 12.2011, ý tưởng xây dựng công cụ trao đổi thông tin giữa các cá nhân, nhóm (quen gọi là chat) miễn phí được ban ra. Chưa rõ ai là người tung ra ý tưởng về công cụ Zalo, tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh hay là phó tổng giám đốc VNG Vương Quang Khải sau này đặc trách Zalo. Chỉ biết, cả nhóm thiết kế trong vòng 1 năm, đến tháng 12.2012, Zalo xuất hiện với cộng đồng Việt lúc này đã quen với Facebook, Wechat, Line, Kakao Talk…

Ông Minh đã từng chia sẻ: “VNG không tiếc tiền cho Zalo. Họ cần bao nhiêu, chúng tôi sẵn sàng chi vì biết cuộc chơi ứng dụng tốn nhiều tiền của để hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm để thu hút người dùng”. Nhưng ông Minh không bao giờ nói về số tiền thực chi cho Zalo. Chỉ biết, tài khoản Zalo tăng liên tục theo như số liệu của Zalo gởi cho báo chí: tháng 3.2013 chỉ có 1 triệu tài khoản, tròn năm sau đã có 10 triệu, tháng 5.2015 là 30 triệu…, tháng 8.2017 có 80 triệu, tháng 8.2018 đã vượt qua 100 triệu tài khoản.

Zalo – “ngôi sao soi đường” cho cộng đồng ứng dụng Việt tại thị trường Việt Nam

Nhưng không chỉ có “chat” mà trên Zalo còn có hàng chục ứng dụng: Zalo Shop chuyên về bán hàng online, Zalo Food với dịch vụ giao đồ ăn, Zalo Pay chuyên về thanh toán trực tuyến theo mô hình ví điện tử, rồi có game, dịch vụ vận chuyển, trang tin…

Đặc khu!
Dù chỉ là một sản phẩm thuộc quyền quản lý của VNG (không nằm trong danh sách 14 công ty thành viên) nhưng không ai biết Zalo đang làm gì vì đó là “vùng cấm”, là “đặc khu” tại VNG hiện nay! Có nguồn tin còn khẳng định, “ngay cả ông Minh còn không khiến ông Khải được”, “Zalo có truyền thông riêng nên muốn làm gì thì làm”… Những ai theo dõi mảng công nghệ của báo chí Việt Nam đều xác nhận: Zalo “xì” gì viết đó, miễn truy vấn! Họ chọn những cách tránh né quen thuộc nhưng hữu hiệu: im lặng, tắt máy, mở máy nhưng không bấm nút nghe… 

Cuối tuần trước, khi có thông tin sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng “phong tỏa” hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me trước ngày 19.7.2019, tất cả các đầu mối của Zalo đều không thể liên lạc được: tắt máy, máy đổ chuông nhưng không có người nghe… Một quản lý cấp trung của VNG hài hước: “Người có thông tin lại tắt máy. Còn người nghe máy lại không có thông tin gì hết”!

Tiếp tục câu chuyện của Zalo bị cơ quan chức năng “rờ gáy” vì không có giấy phép cho hoạt động mô hình mạng xã hội (lần phạt thứ hai), một cựu lãnh đạo của VNNIC tại TP.HCM cho rằng, “với bộ máy nhân sự của VNG không thể không biết Zalo đang hoạt động theo mô hình mạng xã hội để xin giấy phép theo đúng quy định của pháp luật; họ không xin vì nghĩ mình là số 1 nên không ai dám sờ”. Còn chủ một mạng xã hội vào tầm khá khá tại TP.HCM nói: “Họ chẳng biết sợ nên xin giấy phép để làm gì. Nếu ai đó làm căng, xin giấy phép mấy hồi. Có thế lực và nhiều tiền mà”.

Có ý kiến cho rằng “Zalo không muốn xin giấy phép mạng xã hội vì không muốn kiểm soát nội dung và khách hàng, khi nào căng quá, xin sau vậy”. Cũng có người đặt câu hỏi: “Hay là có yếu tố nước ngoài tham gia vào Zalo mà họ làm lơ những nguyên tắc cơ bản nhất?”.
“Yếu tố nước ngoài” mà dư luận quan tâm từ rất lâu chính là Tencent, nhà dịch vụ internet của Trung Quốc đã mua cổ phần của VNG. Thông tin này đã xuất hiện hơn 10 năm trước nhưng chưa bao giờ những ông chủ của VNG công khai chuyện này. Cuối tháng 3.2019, có thông tin nghi ngờ Tenacious Bulldog Holdings Limited chiếm 23% vốn và Prosperous Prince Enterprises Limited – 7,8% vốn tại VNG, “có khả năng là công ty con hoặc có liên quan đến Tencent”.

Câu chuyện vì sao sau 7 năm hoạt động, Zalo không xin giấy phép mạng xã hội vẫn còn là điều bí ẩn, chỉ có ông Khải mới biết. Chưa bàn đến đúng hay sai của những lời bàn mang tính võ đoán ở trên nhưng qua cách hành xử của Zalo sau sự việc vừa rồi, nhận xét “Zalo là vùng cấm” chẳng sai chút nào.

Thông tin của hơn 100 triệu khách hàng và 26 cổng dịch vụ hành chính công trên nền tảng của Zalo đang nằm trong tay của những người có trách nhiệm của Zalo. Nếu họ cứ giữ cách hành xử như nhiều năm qua đến nay, liệu có còn yên tâm để sử dụng “công cụ số 1 Việt Nam” hay không?

Trọng Hiền

Có thể bạn quan tâm: