Hôm nay, 31/8/2019, ngày nghỉ hưu đầu tiên của Asanzo

Thứ bảy – 31/08/2019 18:14

Tối ngày 30/8/20019, trên website của Asanzo có thông báo “sẽ ngưng hoạt động vào ngày 31/8/2019”. Hay nói cách khác, hôm nay sẽ là ngày nghỉ hưu đầu tiên của một thương hiệu từng ồn ào trên thương trường, từ sản phẩm cho đến những hoạt động của “nhân hiệu Phạm Văn Tam”! Kể ra, đó là điều đáng tiếc nhưng thương trường là vậy. Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Biết sẽ chết chậm hơn!

Văn bản trên, với chữ ký của mình, ông Phạm Văn Tam, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc Asanzo thông báo: “Trong hoàn cảnh chưa có kết luận thanh tra, kể từ ngày 31/8/2019, chúng tôi bất đắc dĩ phải thông báo tạm ngừng nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoại trừ hoạt động bảo trì bảo hành nhằm bảo đảm quyền lợi sau mua hàng cho người tiêu dùng. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, Asanzo cố gắng đảm bảo được quyền lợi của người lao động trong khả năng của công ty và theo quy định của pháp luật”.

Một khách hàng mua tivi Asanzo, ảnh chụp hôm 8/8/2019 

Ông Tam còn giải thích, ngày 30/8/2019 là thời hạn cuối cùng mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải có kết luận thanh tra nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận nào của các cơ quan chức năng nên buộc Asanzo phải ngưng nhiều hoạt động chính. Dù không nói rõ hoạt động chính là hoạt động nào nhưng bà Nguyễn Ý Nhi, giám đốc truyền thông của Asanzo, đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Như thông báo đã đề cập, hiện nay chúng tôi chỉ còn duy trì hoạt động bảo hành để đáp ứng dịch vụ sửa chữa những sản phẩm có sự cố kỹ thuật”, bà Nhi giải thích.

Bà Nhi cho biết thêm, 70 ngày qua, kể từ ngày xuất bản bài báo đầu tiên của báo Tuổi Trẻ cáo buộc Asanzo gian lận xuất xứ, “dù không thể bán hàng vì các nhà bán lẻ trả hàng do thông tin từ báo chí, nhưng Asanzo vẫn phải chi bình quân 1 tỷ đồng/ ngày cho các khoản chi bắt buộc như lương và các khoản chi điện, nước, bảo hành… Còn nếu về thiệt hại, số tiền đó phải lớn lắm. Khi nào bộ phận tài chính xử lý số liệu xong, tôi sẽ báo con số cụ thể”.

Dù không tiết lộ con số chính xác nhưng theo bà Nhi, giá trị thiệt hại của Asanzo của 70 ngày qua (kể từ ngày 22/6 – 30/8/2019 phải lớn hơn con số 1.000 tỷ đồng! Năm 2018, theo số liệu ông Tam công bố, doanh thu của Asanzo là 6.250 tỷ đồng.

Cuối tháng 6/2019, những sản phẩm của Asanzo đã bị các nhà bán lẻ trả lại cho hãng sản xuất. Trong ảnh: Những chiếc tivi Asanzo được bày bán tại Điện máy Xanh vào hôm 22/6/2019. Ảnh: Minh Tú

Bà Nhi tiết lộ, lãnh đạo công ty đang hối thúc tòa án Q.11 (TP.HCM) sớm mở phiên tòa trong vụ việc Asanzo quyết định kiện báo Tuổi Trẻ về hành vi vu khống, dẫn đến Asanzo “sập tiệm” như hiện nay. Nhưng, muốn mở phiên tòa, tòa án Q.11 phải chờ những kết luận thanh tra của các cơ quan chức năng để làm “bằng chứng trước tòa”!

Dù chưa được cấp phép nhưng Asanzo vẫn trương bảng khai trương nhà máy sản xuất hàng cao cấp tại khu công nghệ cao TP.HCM!

Trong biên bản làm việc giữa tổ công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Asanzo vào ngày 30/7/2019, các chuyên gia thẩm định xuất xứ của VCCI đã kết luận: “Đối với trường hợp sản phẩm điện tử của Asanzo lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hay “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.

Cũng trong thông báo phát đi vào tối qua, lãnh đạo Asanzo hy vọng và mong muốn sớm có kết luận thanh tra để Asanzo trở lại hoạt động bình thường. Asanzo có quá tự tin? Asanzo khó mà tìm được hào quang của ngày xưa…

Minh Tú

Có thể bạn quan tâm: