Chuyện “cây tre trăm đốt” VinPro

Thứ sáu – 20/12/2019 07:52 

Thứ 4, ngày 18/12/2019, tổng giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang đăng đàn trên nhiều tờ báo với nội dung như nhau, tuyên bố sáp nhập Adayroi vào VinID và giải thể VinPro. Hai công việc trên sẽ hoàn thành trong tháng 12/2019. Ở đây, chỉ bàn về câu chuyện “cây tre trăm đốt” VinPro vì số phận quá đỗi lạ lùng.

VinPro+ có nhiều tham vọng nhưng chỉ tồn tại chừng 18 tháng là… tắt thở! (tháng 9.2016)

Thành củi
Đầu năm 2015, VinPro xuất hiện trên thị trường với nhiều tham vọng, gồm hai hệ thống: VinPro trong lĩnh vực bán lẻ hàng điện máy và VinPro+ trong nhóm hàng kỹ thuật số. Nhiều nhân vật có tầm cỡ trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ (không nói tên nhưng chắc nhiều người nhớ) cùng hát “đồng ca” rằng: sẽ đánh bại các nhà bán lẻ lớn từ Nam ra Bắc, như Thế giới Di động và Dienmay.com (sau được đổi thành Điện máy Xanh), Viễn Thông A (VTA), Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Pico, MediaMart, Trần Anh…
Tháng 2/2016, chuỗi VinPro đã có 20 cửa hàng VinPro và 100 cửa hàng VinPro+. Ban đầu, VinPro tại các trung tâm thương mại Vincom. Còn VinPro+ đi tìm mặt bằng bên ngoài để cạnh tranh trực tiếp với Thegioididong.com, Viễn Thông A và các cửa hàng bán lẻ độc lập. Nhưng hoạt động chưa đầy 2 năm, tháng 9.2016, Vingroup đã đóng cửa chuỗi VinPro+ một cách khá bất ngờ và hào phóng nên các nhà sản xuất, phân phối chẳng lấy làm buồn vì được đền bù thỏa đáng. Giám đốc điều hành của một hãng điện thoại nội địa xác nhận, “không chỉ sòng phẳng mà họ còn chơi đẹp”. Còn đẹp như thế nào chỉ có những người trong cuộc mới biết.
Kể từ khi đóng cửa VinPro+, tên tuổi của VinPro ngày càng mờ nhạt vì độ phủ chỉ còn loanh quanh tại các trung tâm thương mại Vincom. VinPro hết gây sóng gió, hết khả năng “đánh nam dẹp bắc” như hồi mới khai trương. Có lúc tưởng rằng, trong lĩnh vực bán lẻ hàng điện máy, không có tên VinPro. Báo chí chẳng thấy nhắc đến thương hiệu này vì chính sách “bao vây thông tin”: không chia sẻ gì về hoạt động cũng như chiến lược kinh doanh của VinPro. Ngay cả bây giờ cũng vậy.
Cuối năm 2018, khi Vingroup hoàn tất thương vụ mua lại VTA với gần 200 cửa hàng trên toàn cõi Việt Nam nhưng chẳng thấy ai nhắc đến VinPro, chỉ nói về VTA. Sau đó, tôi có hỏi vài nguồn tin thân thiết, mới biết VinPro sẽ sở hữu thương hiệu VTA. Cũng lại im lặng.

VTA không còn cơ hội được mang tên mới… VinPro

Đầu tháng 11.2019, một siêu thị vào hàng lớn của VTA trước đây trên đường Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh, TP.HCM) đã thay thành tên VinPro màu đỏ. Ngày 6/11/2019, VinPro cũng chính thức thông báo là đã “trỏ” website của VTA từ địa chỉ vienthonga.com sang vinpro.vn. Gần đây, ngày 1.12.2019, lúc fanpage màu vàng của VTA trên Facebook chính thức đổi thành màu đỏ của VinPro, nhiều người mới biết chuyện VinPro là “ông chủ điều hành” của VTA. Tại vì sức lan tỏa của Facebook quá lớn…

Ai mua VinPro?
Tính đến ngày 16.12.2019, VinPro (kể cả gần 200 cửa hàng còn mang tên VTA) có 249 cửa hàng. Nếu chỉ tính giá trị hàng hóa trưng bày, tiền ứng trước mặt bằng…, bình quân mỗi cửa hàng của VinPro có giá trị 5 tỷ đồng. Cứ làm thử phép nhân… Vậy, theo lời ông Quang, trong tháng 12/2019 sẽ hoàn tất chuyện giải thể VinPro. Nhưng với giá trị còn hàng ngàn tỷ đồng như vậy, giải thể là sao?
Nhiều người viết sẽ biết hỏi “giải thể là sao?” nhưng hợp đồng đã ký chỉ viết chừng đó thì phải viết chừng đó, hỏi thêm, viết thêm đâu có được. Nghĩ cũng tội anh em. Sắp sáp nhập rồi. Sống qua ngày…
Trở lại câu hỏi “giải thể là sao?”. Gần nửa đêm, có ông bạn lại đặt câu hỏi như vậy? Hỏi xong, chưa kịp nhận câu trả lời: “Không có ai ngu tới mức đổ xuống biển hàng ngàn tỷ đồng đâu! Chẳng qua nói vậy là muốn dứt khoát với Masan về câu chuyện VinPro. Theo tui, họ sẽ bán hoặc ít nhất là nhượng lại với giá “tình thương mến thương” cho ai đó”.
Ai đó là ai? Thế giới Di động và ông Nguyễn Đức Tài chắc chẳng muốn dính vào việc này vì quá nhiều công việc để xử lý. Với lại, Thế giới Di động bây giờ, muốn thuê chỗ nào chẳng được. Họ có tiền và công nghệ xây dựng. FPT Shop của ông Trương Gia Bình đã tuyên bố “chạy khỏi làng bán lẻ để lo cho công nghệ mới xứng tầm của FPT”. Viettel Store càng không dại gì dính vào vụ này, họ thiếu gì mặt bằng, nhân lực. MobiFone cũng có tham vọng bán lẻ đó nhưng đang rối bù chuyện AVG nên chắc là… sợ! Nguyễn Kim từ khi về Central của Thái, như “con gà mắc nước”, cứ cù rụ! Chợ Lớn và Thiên Hòa thuộc nhóm “chắc bắp”, chừng đó đủ sống vài trăm năm…

Cũng từng đông vui, vì đâu nên nỗi… dặm trường cách xa

Còn ai sáng giá trong chuyện mua lại VinPro? Ông bạn cho rằng, chỉ còn các tập đoàn nước ngoài từ Nhật và Hàn. Trong đó, Lotte có nhiều nổi trội hơn cả vì họ vừa có tiền và có chuỗi bán lẻ đang hiện hữu. “À, có khi nào đó là SK vừa mua cổ phiếu của Vingroup với giá 1 tỷ USD vào giữa năm nay?”, ông bạn la lên trong điện thoại như vừa tìm ra điều vĩ đại nào đó. À, không biết chừng điều đó lại đúng! Ông bạn lại tiếp tục “nấu cháo”: “Cứ tin tui đi. Họ đang cần tiền để làm xe mà”.
Mà này ông bạn, nhân viên Vinmart+ đâu có tất toán hợp đồng lao động, đâu có thưởng gì… Trong khi đó, toàn bộ nhân viên VinPro, nghe nói là được đền bù hợp đồng lao động, được thưởng… Nghĩa là chẳng có ai mua nên giải thể. Nếu có bán, chỉ là bán xác VinPro với những mặt bằng chưa đến hạn.
Đau đầu thiệt.
Không phải một cú vung tay là xong, vì còn phải cân nhắc nhiều thứ
Một câu chuyện buồn của ngành bán lẻ Việt Nam trong những ngày cuối năm.

Minh Tú

Có thể bạn quan tâm: