Con gà tục tác… lá é Phú Yên

Khung trời miền Trung thấp thoáng cây é trắng. Với món é trắng nấu gà (phải là gà chỉ) làm tôi ray rức về miền đất Phú Yên.

Mùi lá é…

Lẩu gà lá é trắng Phú Yên

Phú Yên không phải là nơi thu hút khách du lịch nhưng tôi nói một cách không ngần ngại rằng: “Đó là một trong những xứ phải đến trước khi chết!”. Nơi đây núi rừng, biển đầm gì đủ cả. Sản vật càng phong phú dễ mị hoặc những cái họng yêu ẩm thực.

Nhưng phải nói rằng được bao nhiêu thực khách biết Phú Yên qua món lẩu gà lá é? Chẳng phải thứ é quế phổ biến trong các quán phở ở Sài Gòn đâu. Mà là é trắng, một trong những loại cỏ thơm đặc hữu của các nước xứ Đông Nam Á.

Chỉ tiếc khi nói đến é trắng, những chỗ thường được tra cứu như Wikipedia, các trang ẩm thực tiếng Anh chỉ kể đến những xứ thường sử dụng nó là Lào, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Mã Lai. Chẳng thấy nhắc gì đến Việt Nam. Bạn có thể kiểm chứng điều đó khi tìm từ khóa “Lemon basil”.

É trắng dễ trồng

Các đầu bếp thường chia cỏ thơm làm hai loại tùy theo hương mạnh và sâu như: hương thảo, sả, oải hương, lá cà ri, ngò gai so với hương dễ bốc hơi như é, bạc hà, ngò… Hương é trắng nồng nhưng mong manh hơn hương é quế. Khi cho vào ngăn mát tủ lạnh từ một đến hai ngày, hương kia đã tàn phai như thanh xuân con người, vì cơ chế khử mùi của tủ lạnh.

Món ăn mộc mạc của một thời đói nghèo là muối é. Phải là muối hột giã với lá é trắng, gói thật kín. Mỗi sáng lên núi, các tiều phu quê tôi chỉ cần một mo cau đựng cơm – thời lon guigoz đã cũ đến mức không còn sử dụng được và bịch muối é trắng. Cơm trắng thời khoai độn và muối é là một thứ sảng khoái dành cho người được xếp vào hạng cao cấp so với hạng thứ cấp đâm hà bá. Nhưng thứ hạng cao cấp phá sơn lâm ấy chẳng lấy gì làm sướng ngoài mo cơm trắng với bịch muối é. Trong khi kẻ đâm hà bá, nồi cơm độn bé xíu nhưng nồi cá kho thơm lừng, tộ canh cá. Đó là cảnh quê tôi với hai hạng người cách nhau con đường số 1 thời khốn nạn (theo nguyên nghĩa của từ này thông dụng thời mồ ma Nguyễn Văn Vĩnh tiên sanh).

Bẵng đi nhiều năm, do tha phương cầu thực, hương lá é trắng rơi vào những lớp ký ức thẳm sâu. Một bữa ở quán Hòn Chồng (đời chủ trước) gặp món muối lá é tía. Mới chợt nhớ lại mùi hương bá đạo nhớ dai nhách kia. Đem nỗi nhớ than với chủ quán. Là dân miền Trung, ông chủ quán cũng sành loại é ấy. Vài ngày sau, tôi nghe ông báo, đã trồng xong mấy bụi é trắng. Thì ra, trồng nó trên bờ kênh Nhiêu Lộc. Lúc đó chưa có bờ kè, sát kênh còn những chỗ đất thịt. Bấy giờ cũng chỉ thèm là thèm món muối lá é chấm một thứ gì đấy. Chứ chưa nghĩ tới kết hợp nó với gà.

Cái quán Gà lá é Phú Yên nhỏ xíu trên con đường Trường Sa khách Sài Gòn ăn đông vô kể. Ngoài chục cái bàn, còn phải tính xe ship tấp nập từ trưa đến tối cho khách ăn online. Hồi nào tới giờ, người Sài Gòn luôn thèm gà, nhất là gà ngon và lành. Đã vậy mùi lá é trắng bay thật xa. Bay theo đường review của các trang web đã hấp dẫn khách mê mùi tinh dầu thơm lừng của lá é trắng…

Gà nấu lá é trắng ngon làm sao

Chỉ chừng đó thôi. Một cái quán nhỏ, những người nhập cư khốn khổ, bình dị ngẫu nhiên tiếp thị cho hình ảnh Phú Yên mà tỉnh chẳng tốn đồng nào! Gà tam hoàng Phú Yên thả vườn nổi tiếng chẳng kém gì gà Tam Kỳ thiệt nhưng mềm hơn. Bộ đôi gà và lá é trắng kết hợp tuyệt hảo.

Thứ hương mong manh

Dân sành lá é trắng sẽ cho một ít lá vào nồi lẩu để ăn bằng mũi. Cho hết một lần vào nồi lẩu là coi như cô thôn nữ trong hương đồng gió nội của Nguyễn Bính đi phố là đi luôn, chẳng còn tí hương quê nào hồi hương. Vì tinh dầu của lá é trắng mong manh hơn é tía. Phần lá é trắng còn lại, mỗi người trong bàn tự cho vào chén nước lẩu vừa múc ra. Một mùi thơm lung linh. Sự cộng hưởng của các nồi lẩu trong một không gian nhỏ như chiếc khăn mouchoir lại là một tưởng thưởng khác cho người ăn tại chỗ không mua về nhà. Quán đậm phong cách quê thứ thiệt, chủ quán thường ra chào khách sau khi chặt xong mớ thịt gà.

Nhiều sắc dân Đông Nam Á cũng ghiền mùi lá é. Trong ảnh: món gà nướng lá é của dân Thái

Người dân Lào dùng lá é trắng rất nhiều trong các món cà ri, xúp và xào. Họ thường có thói quen cho lá é vào cuối quy trình nấu nước để hương không bay mất. Dân Thái và Indonesia cũng đồng điệu như vậy, cây viết kiêm đầu bếp Deborah cho biết.

Là dân Tây nhưng bà Deborah lại ghiền hương của lá é trắng. Bà xếp nó vào đầu bảng xốt salad hàng đầu của mình. Công thức xốt ấy còn có tỏi, phó mát parmesan, mù tạt, chanh, dầu ô liêu, muối và chanh. Những thứ có sẵn để lưỡi nào lỡ để tình cho lemon basil có thể thử nghiệm món salad giấm lá é trắng.

Riêng món cơm chiên lá é trắng, như đã nói, chỉ còn màu xanh vui vui mắt tại một số quán. Vì nhiệt đã làm cho hương bay hết. Nếu muốn có món cơm ngon, nên xắt nhiễn lá é trắng, cho vào cuối khi chảo cơm chiên đã dịu. Cơm chiên lá é trắng có thể tìm ở quán Gu trên đường Trường Sa. Muốn tìm quán, hỏi ông Google.

Vạn Giã

Có thể bạn quan tâm: