Ăn bánh hẹ như chè chan… nước mắm!

Nghe tám trên mạng về bánh hẹ bán trước cổng trường Mạch Kiếm Hùng, tôi mò đến. Nhưng đó không phải là xe bánh hẹ của bà Hồng Thị Ơn nữa. Bà đã mất. Hai cô con gái không theo nghiệp mẹ. Họ sang xe bánh cho một người đàn ông.

Xe bánh hẹ trước trường Mạch Kiếm Hùng (Q.5) đã sang tay cho một người khác từ hai năm nay. Ảnh: Thu Nguyễn

Người đàn ông này ít nói như nhân vật Tiểu Cẩu bán bánh bao lừng lẫy tiếng tăm ở Thiên Tân bên Tàu. Đông khách quá không kịp làm bánh, nên hỏi gì Cẩu không nói. Rốt cùng người ta đặt tên món bánh bao của anh ta là món Cẩu Bất Lý. Rồi thành thương hiệu luôn, tên tiệm ăn luôn. Ông bán bánh hẹ không đông khách đến vậy nhưng không muốn trả lời gì hết.

Xe bánh hẹ bán từ 11 giờ đến 9 giờ tối, khách hàng chính là học sinh. Sau khi tôi mua bốn cái bánh, ông mới chịu nói: “Hôm nào ế đến mười giờ”. Bánh bữa nay 8.000 đồng/cái. Mỗi dĩa hai cái, muốn ăn trứng gọi thêm.

Bánh hẹ có nhưn chấm với xì dầu pha ớt xay và dấm tiều. Ảnh: Thu Nguyễn

Hẹ làm dân miền Trung nhớ quê. Nhớ bánh canh. Người miệt ngoải, thích mùi hẹ trong các món bánh canh, bún hơn. Rắc xanh cả mặt tô nước.

Hành ăn lá được gọi là hành lá (dân tây gọi là scallions hay green onions). Dân không sành thường lẫn lộn green onions với spring onions, là loại hành có củ nhưng nhỏ. Còn có hành ngọc (pearl onion). Nhiều người Mỹ gốc Việt không phải gốc Quảng lại nhầm hành ngọc với hành nén, quen gọi là nén. Nén hăng hơn nhiều. Rồi còn tỏi tây hay hành boa-rô. Sau cùng là hẹ (garlic chives) và hẹ tây (chives). Hẹ còn có hẹ lá, tàu gọi là cửu thái, là hẹ người Việt đang ăn lá, hẹ bông – cửu thái hoa và hẹ vàng – cửu hoàng.

Hẹ lá tây còn gọi là hẹ tàu. Nghe đâu nó bắt nguồn từ những khu thảo nguyên ở Tây Bá Lợi Á. Người Tàu biết dùng hẹ cách đây khoảng 3.000 năm từ đời nhà Chu. Chắc vì vậy mà nó có tên hẹ Tàu (chinese chives). Bông hẹ ở Việt Nam hạp với thịt bò, thịt ếch, nấm rơm. Bông hẹ nặng mùi tỏi hơn hẹ lá, người Tàu ăn sống, đôi khi xào mình ên.

Lá hẹ được người dân miền Trung quen dùng. Ảnh: A.T

Trong thế giới allium ấy, ỏng ẹo nhất là hẹ tây, vì chỉ hạp với các món nguội. Muốn nêm phải chờ thức ăn hơi nguội. Nhưng hương vị cô nàng hẹ này thơm như tiếng hát Thái Thanh chứ chẳng chơi. Đã vậy, muốn mua phải liên lạc trước với các tiệm bán rau Tây như Veggy, Ân Nam… Hẹ tây hạp với trứng lắm, từ trứng lòng đào đến trứng bác.

Nhưng cái thứ mà dân miền Tây gọi là lộc trời, thường hái khi nước vào ngập đồng gọi là hẹ nước lại không thuộc thế giới allium mà thuộc thế giới rong. Nước không còn về mấy nên tôi chỉ mới “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” loại hẹ này.

Trở lại với bánh hẹ mà tôi từng nghe tám trên Facebook, mò ra đường Nguyễn Trãi, mua mấy cái về thử cho biết. Một Facebooker diễn tả: “Ăn dòn dòn dai dai khi chấm với loại nước chấm xì dầu + dấm tiều + ớt xay; đơn giản vậy nhưng khi nhai miếng bánh thấy mùi thơm của hẹ hoà quyện với mùi bột nếp chiên mỡ heo… sao thấy nó ngon, nó béo, nó hấp dẫn lạ… Chỉ biết thốt lên ngon thế thôi!”.

Bánh hẹ ở Nguyễn Trãi là một phiên bản của người Tiều. Chỉ là bột gạo trộn với bột năng tỷ lệ bằng nhau, nhồi cho tới cho dẻo, rứt từng miếng cán mỏng thành hình hơi bầu dục, cho nhưn (hẹ lá, bún tàu, trứng chiên dòn xắt nhỏ, thịt nạc heo bằm) vào một phía, rồi gấp đôi miếng bột, bóp dính mí lại, giống hình bánh quai vạc của người Việt rồi hấp lên cho dẻo. Khi ăn, người bán đem chiên lên một lượt nữa để tạo độ béo và dòn. Bánh vừa dẻo, dai và dòn dòn.

Bánh hẹ không nhưn. Lá hẹ trộn với bột… Ảnh: A.T

Tôi ăn bánh hẹ như ăn một thứ chè trôi nước nhưng chan nước mắm thay nước đường, có ớt, thay vì gừng. Có dưa cà rốt tạo vị chua. Chẳng khác nào món kem chan nước mắm vậy mà! Những người lâu lâu ăn hẹ, sẽ cảm nhận hương vị mạnh hơn. Bọn teen bên Tây, theo một Facebooker Tây kể lại, khi bà mang hẹ lên tàu điện, có đứa còn kêu: “Cái gì mà bay mùi Đa Phước dữ”!

Ngữ Yên

Có thể bạn quan tâm: