Leflair “tái xuất giang hồ”

SoPa (Society Pass, Hoa Kỳ), “ông chủ” mới của Leflair vừa quyết định khai thác địa chỉ  www.leflair.com tại thị trường Việt Nam sau 2 năm “ngủ đông”. SoPa còn tuyên bố sẽ mở rộng địa chỉ trên tại các quốc gia khác của khu vực Đông Nam Á trong năm 2022.

Leflair “tái xuất giang hồ” tại thị trường Việt Nam. Ảnh: B.Hà

Sau ba tuần chạy thử, kể từ đầu tháng 9.2021, www.leflair.com chính thức hoạt động trở lại. Ông Ray Liang, giám đốc vận hành Society Pass và Leflair cho biết: “Trong giai đoạn chạy thử, SoPa khai thác rất nhiều quy trình để nâng cao hiệu quả cho Leflair”.

Để thu hút khách hàng sau nhiều “vắng bóng”, Leflair sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi theo hình thức flash sale vào 8 giờ sáng hàng ngày, chuẩn bị ra mắt chiến dịch “shopping battle” (cuộc chiến săn hàng hiệu) cho mùa mua sắm cuối năm… Ngoài ra, với chiến lược kinh doanh mới, Leflair hợp tác với TikiNow với vai trò là đối tác giao nhận, tuyển dụng nhiều nhân sự cấp cao và trung để thực hiện tham vọng mới tại thị trường Việt Nam. Bà Ngô Thị Châm, giám đốc điều hành, đại diện Leflair tại Việt Nam cho biết: “Là sàn giao dịch thương mại điện tử với các lĩnh vực: thời trang, làm đẹp và nội thất, nằm trong hệ sinh thái của SoPa, Leflair sẽ thừa hưởng nhiều công nghệ mới tối ưu quá trình tiếp cận khách hàng mục tiêu, tăng độ trung thành của khách hàng đối với các thương hiệu mà họ yêu thích”.

Leflair là thương hiệu được nhượng quyền từ một công ty tại Hồng Kông, xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào năm 2015 theo mô hình kinh doanh “giữ hàng qua kho” tại Singapore và Hồng Kông thay vì theo mô hình “chợ trực tuyến” (marketplace) với đối tượng là nhóm khách hàng trung lưu.

Leflair chuyên kinh doanh các nhóm hàng về thời trang, sắc đẹp… với nhóm khách hàng trung lưu. Ảnh: B.Hà

Trong 4 năm kinh doanh từ 2016-2019, sàn bán lẻ hàng hiệu này đã có hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm hàng chục triệu USD, có giá trị đơn hàng trung bình khá cao tại thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Nhưng trên thực tế, với mô hình kinh doanh “giữ hàng qua kho” còn mới, đội ngũ quản lý chưa am hiểu tâm lý mua sắm khách hàng nên thua lỗ, dẫn đến “ngủ đông” trong vòng gần 2 năm, cho đến khi SoPa chính thức đàm phán mua lại thương hiệu này.

Tháng 6.2021, SoPa chính thức mua lại thương hiệu Leflair và các tài sản trí tuệ khác từ một công ty tại Hồng Kông đang sở hữu thương hiệu Leflair. Ngay sau khi công bố quyền sở hữu thương hiệu, Sopa khẳng định sẽ mang nền tảng này quay trở lại thị trường Việt Nam vào quý 3 năm 2021.

Thành lập từ năm 2018, thông qua hoạt động mua bán, đến nay SoPa đã có hệ thống công ty với các văn phòng đại diện tại Singapore, Philippines, Việt Nam và Indonesia.

Hoàng Yến

Có thể bạn quan tâm: