Người Việt đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ

Đó là ông Trần Trọng Khiêm, sinh năm 1821, quê làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, nay là xã Xuân Lũng (Lâm Thao, Phú Thọ). 

Năm 1849, Trần Trọng Khiêm đặt chân đến Hoa Kỳ. Ông được ghi nhận là người Việt đầu tiên có mặt tại quốc gia này.

Những nét chính của Trần Trọng Khiêm được nhà văn Pháp Rene Lefebre ghi lại trong tiểu thuyết có nhan đề La rueé vers l’or (Đổ xô đi tìm vàng, nhà xuất bản Dumas, Lyon, 1937). Ảnh: A.T

Sinh ra trong một gia đình thế gia vọng tộc, năm 20 tuổi do buôn bán nên ông Khiêm thường phải vắng nhà. Lợi dụng điều đó tên cai tổng tìm mọi cách quyến rũ vợ ông. Một sớm nọ, bà đi chợ, tên cai tổng bất ngờ cho lính bắt cóc đưa về nhà cưỡng hiếp. Bà kiên quyết chống cự nên bị đánh chết. Ông Khiêm về nhà nghe chuyện, liền cầm dao giết chết tên Cai tổng để trả thù. Bị truy nã, ông trốn xuống Phố Hiến (Hưng Yên) làm việc trong một tàu buôn ngoại quốc.

Phiêu bạt xứ người

Lênh đênh 7 năm ròng (1842 – 1849), Trần Trọng Khiêm đi qua nhiều vùng đất lạ. Đến đâu, ông học ngôn ngữ của vùng đất đó. Năm 1849, ông đặt chân đến New Orleans (Hoa Kỳ), nhận mình là người Hoa với tên mới là Lê Kim. Ông tham gia vào đoàn đào vàng do một người Canada tên là Mark làm thủ lĩnh.

Trần Trọng Khiêm là một cao bồi miền Viễn Tây thực thụ. Ảnh: Internet

Để tham gia đoàn người này, các thành viên phải góp công của và tiền bạc. Phần Lê Kim đã góp 200 Mỹ kim để mua lương thực và vũ khí. Trong gần 2 năm, Lê Kim đã sống cuộc đời của một cao bồi miền Tây thực thụ. Đoàn có 60 người nhưng Lê Kim được thủ lĩnh Mark yêu quý và tin tưởng. Do biết rất nhiều ngoại ngữ như tiếng Hà Lan, Trung, Pháp, nên ông được ủy nhiệm làm liên lạc viên cho thủ lĩnh Mark và thông ngôn trong đoàn. Ông cũng thường xuyên nói với mọi người rằng ông biết tiếng Việt Nam nhưng tiếng Việt không được dùng đến. 

Ngày ấy, miền Tây California ngày ấy là nơi cuộc sống luôn bị rình rập bởi những hiểm nguy do thú dữ, núi lửa, động đất và đấu súng. Để đến được California tìm vàng, đoàn của Lê Kim thường xuyên còn đối mặt với đói khát, người da đỏ, sốt rét và rắn độc đã cướp quá nửa số thành viên trong đoàn. 

Trở thành nhà báo

Sau khi tích trữ được chút vàng làm vốn liếng, Lê Kim từ bỏ công việc tìm vàng đầy nguy hiểm, quay trở lại San Francisco. Vào giữa thế kỷ 19 San Francisco vẫn còn là một thị trấn bụi bặm và trộm cướp. Bằng sự nhanh nhạy, Lê Kim đã nhanh chóng xin được công việc chạy tin tự do cho nhiều tờ báo. Rồi sau đó ông làm biên tập cho nhật báo Daily Evening. Nhiều bài báo của ông đăng trên tờ Daily Evening hiện vẫn còn lưu giữ ở thư viện Đại học California. 

Trước khi là nhà báo, Trần Trọng Khiêm tham gia vào nhóm đào vàng. Ảnh: Internet

Đề tài mà Lê Kim thường viết là về cuộc sống đầy hiểm họa và cay đắng của những người khai hoang ở Bắc California và quanh khu vực San Francisco. Trong đó, ông hướng sự thương cảm sâu sắc đến những người da vàng mà thời đó vẫn là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc. Lê Kim cho rằng các mỏ vàng đã khiến cuộc sống ở đây trở nên khắc nghiệt và sa đọa không gì cứu vãn được. Đặc biệt, trong số báo ra ngày 8.11.1853 có một bài báo đã kể chi tiết về cuộc gặp giữa Lê Kim và vị tướng Hoa Kỳ John A. Sutter. 

Tướng Sutter vốn là người có công khai phá thị trấn San Francisco. Khi Lê Kim mới đến đây, ông đã được tướng Sutter giúp đỡ. Khi bị lật đổ, tướng Sutter trở nên bị tâm thần và sống lang thang ở khắp các bến tàu để xin ăn, không được ai đoái hoài đến. Sau này, trong một dịp tình cờ, Lê Kim đã cho vị tướng bất hạnh 200 Mỹ kim. Đồng thời ông chê trách thái độ hững hờ, ghẻ lạnh của người dân San Francisco và nước Mỹ đối với tướng Sutter, điều mà theo ông đi ngược với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ông.

Năm 1854, khi đã quá mệt mỏi với cuộc sống hỗn loạn ở Hoa Kỳ, Lê Kim tìm đường trở lại Việt Nam. Vì vẫn bị truy nã nên ông không trở về quê nhà Phú Thọ mà phải lấy thân phận là người Minh Hương khai hoang ở tỉnh Định Tường. Ông chính là người có công khai hoang, sáng lập ra làng Hòa An, phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường xưa (nay là 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Bến Tre). 

Trong bức thư bằng chữ Nôm gửi về cho anh ruột Trần Mạnh Trí ở làng Xuân Lũng vào năm 1860, Lê Kim đã kể tường tận hành trình hơn 10 năm phiêu dạt của mình trên con tàu định mệnh đến những ngày tháng đầy khắc nghiệt ở Hoa Kỳ rồi cuối cùng trở về an cư lạc nghiệp ở Định Tường. 

Chống Pháp

Năm 1864, sau khi đánh chiếm xong ba tỉnh miền Đông, quân Pháp lần lượt mở các cuộc tấn công ba tỉnh miền Tây còn lại. Để cản ngăn quân xâm lược, Lê Kim đã tình nguyện theo thủ lĩnh Võ Duy Dương mộ quân khởi nghĩa chống Pháp. 

Tài bắn súng học được trong những năm tháng ở miền Viễn Tây cùng với kinh nghiệm xây thành đắp lũy, ông trở thành một vị tướng giỏi. Ngoài ra, với vốn ngoại ngữ đã giúp Lê Kim cảm hóa được một nhóm lính Pháp và dùng chính nhóm lính này tấn công quân Pháp ở Cái Bè, Mỹ Qưới. 

Về nước, vào xứ Nam kỳ, Trần Trọng Khiêm là một tướng lĩnh tài giỏi, lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp ở Định Tường. Ảnh Internet.

Năm 1866, trong một đợt truy quét do tướng De Lagrandière chỉ huy, đồn quân của Lê Kim thất thủ. Không cam chịu đầu hàng, Lê Kim đã tuẫn tiết. Năm đó ông vừa tròn 45 tuổi. Trên mộ của Lê Kim ở Giồng Tháp (Đồng Tháp) đến hôm nay còn khắc câu đối: 

“Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh

Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế”.

Để ghi nhớ công lao của ông, phường Long Bình (TP. Thủ Đức, TP.HCM) có con đường mang tên Trần Trọng Khiêm (nối đường Nguyễn Xiển với đường Mạc Hiển Tích) và một con đường mang tên Trần Trọng Khiêm ở quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng).

Theo Wikipedia, cuộc đời bi hùng của Trần Trọng Khiêm đã được nhà văn Pháp Rene Lefebre ghi lại trong tiểu thuyết có nhan đề La rueé vers l’or (Đổ xô đi tìm vàng, nhà xuất bản Dumas, Lyon, 1937) và Con đường thiên lý của học giả người Việt Nguyễn Hiến Lê viết xong năm 1972.

Hoàng Yến (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm: