Phiếm đàm về cái “áp” PC-Covid

Lần lữa mãi, đến sáng nay, 6.10.2021, tui mới dùng một thuê bao với những thông tin cá nhân ít nhất để tải và cài đặt ứng dụng (application, nôm na là áp) PC-Covid phiên bản mới nhất 4.0.0 coi thử “mặt mũi” nó ra sao mà bà con la quá xá zậy.

Sau khi thực nghiệm, việc bà con chửi không chỉ đúng mà quá đúng với “một cái áp độc quyền cấp quốc gia”!

Cái “áp” PC-Covid thần thánh là đây. Ảnh: A.T

Tải PC-Covid từ kho ứng dụng CHPlay rẹt rẹt trong vòng mấy giây (xài 4G Viettel mà). Trong vòng 30 giây nhận được mã OTP (đây là điểm cộng duy nhất). Từ lúc đó trở về sau cho đến khi hoàn thành, còn quá nhiều điều để… thở dài với cái áp có sự chung tay sản xuất của 3 tập đoàn công nghệ lớn Việt Nam: Bkav, Viettel và VNPT. Tui suy đoán, theo thứ tự từ trái sang phải với kích thước và độ nhận diện từ lớn đến nhỏ như trong tấm hình, Bkav sẽ giữ vai trò dẫn dắt!

PC-Covid do 3 tập đoàn công nghệ lớn (từ trái sang): Bkav, Viettel và VNPT chung tay thiết kế! Ảnh: Hoàng Oanh

1.

Câu chữ lòng vòng, rối rắm…

Đây là đoạn giải thích “mù mờ, lòng vòng, lê thê” khi yêu cầu người dùng cấp quyền “truy cập thông báo”: “PC-Covid cần được cấp quyền “truy cập thông báo” để có thể chạy thường xuyên, giúp việc ghi nhận các “tiếp xúc gần” hiệu quả hơn. PC-Covid chỉ sử dụng quyền này để có thể chạy thường xuyên. Tuy nhiên, theo chính sách của Google, khi cấp quyền này thiết bị sẽ tự động đề nghị “PC-Covid có thể đọc tất cả các thông báo, bao gồm cả thông tin cá nhân như liên hệ và nội dung thông báo mà bạn nhận được”, ngay cả khi PC-Covid không sử dụng đến quyền đó”. Ông Đ.H, cựu nhà báo Sài Gòn Tiếp thị phiên bản thứ nhất than thở: “Không biết trình độ IT đến đâu, chỉ riêng cái thông báo sau khi người dùng nhập thông tin đã thấy rối rắm. Diễn đạt ngôn ngữ Việt để người dùng Việt hiểu mà sao khó đến vậy”.

Túm lại, dù lòng vòng nhưng liệu những người quản trị áp này có “đọc và sao chép liên hệ” (chắc là danh bạ) và tin nhắn không”. Ai dám chắc là không vì đó hiện là thứ “siêu tài sản” khi gắn liền với tài khoản ngân hàng, bóp điện tử, các dịch vụ giải trí như game, phim…! Bữa nào rảnh tui sẽ nói tiếp đến câu chuyện món hàng “thông tin cá nhân” có giá trị hơn nhiều lần những mỏ vàng ở San Francisco bên xứ Huê Kỳ thời thế kỷ 18, 19!

2.

Những tính năng như phần lịch âm, khuyên người dùng nên và không nên làm gì từng ngày, lỗi QR Code không mã hóa… đã không còn thấy xuất hiện trong phiên bản áp được tải vào sáng nay. Nhưng vẫn còn đó những quyền đòi truy cập vào bluetooth và GPS. Tui thử tắt một trong hai chức năng này, PC-Covid “đột tử” ngay lập tức. Trong mục “khai báo y tế”, theo giấy tờ hợp pháp, tui khai năm sinh là 19xx nhưng trên mã QR của áp lại xuất hiện thông tin năm sinh là 19xx-1! Thử khai một con số khác trong năm sinh… thông tin trên mã QR lại đúng!

Áp PC-Covid nhận được nhiều phản hồi từ người sử dụng. Ảnh: Hoàng Oanh

Như lời tuyên bố của lãnh đạo bộ Thông tin và Truyền thông, PC-Covid là áp duy nhất về phòng chống dịch Covid-19 cho người dân Việt chạy trên nhiều nền tảng (nghĩa là tích hợp dữ liệu từ nhiều công cụ đã chạy trước đây) nhưng đến giờ, thông tin về chích ngừa vaccine Covid-19 vẫn chưa được cập nhật. Nhiều trường hợp đã chích 1 mũi hoặc 2 mũi, đã được áp sổ sức khỏe điện tử (SSK), website: tiemchungcovid19.gov.vn ghi nhận nhưng trên PC-Covid vẫn chưa hiển thị. Vài ngày trước, có người đã thấy xuất hiện thông tin 1 hoặc 2 mũi, còn giờ lại không! Không biết các áp và website hộ trợ ra sao mà đến giờ này vẫn chưa đồng bộ, hay là đã “rung lắc rơi rớt dọc đường thiên lý Bắc Nam”? Bà con lo ngại, lỡ cơ quan chức năng kiểm tra không thấy dữ liệu trên, liệu họ có bị phạt tiền?

3.

Nói về PC-Covid, ông K.V.D, một chuyên gia về công nghệ chia sẻ: “Tại sao một cái áp phòng chống dịch lại đòi quá nhiều quyền trên chiếc điện thoại như vậy? Hay là áp trá hình giám sát người dùng?”.

Còn trên CHPlay, vào ứng dụng này, đọc qua những cái “còm” của bà con nói về PC-Covid mà thương cho những tên tuổi hàng đầu công nghệ Việt Nam. Trong đó nhắc nhiều đến Bkav của ông Nguyễn Tử Quảng với biệt danh “Quảng nổ” đã gần chục năm nay!

Ông Đ.H khôi hài: “Áp mà không tải được thẻ vàng (1 mũi), thẻ xanh (2 mũi) hãy dẹp 4.0 đi, chạy bằng “0.4” cho chắc: Lấy cái giấy xác nhận đã tiêm vaxcin, ép plastic rồi nhét vào cốp xe cho chắc”. Ông H. chia sẻ cách làm của Úc: phát cho dân thẻ cứng có mã QR cá nhân, đi chích vaccine hay đi đâu vào đâu, chỉ việc lấy thẻ ra quẹt là xong, không cần smartphone, không cần 4G, 5G gì hết!

Tui không biết họ đã làm gì với cái áp PC-Covid này, chỉ nghĩ rằng cực lắm: nhập dữ liệu mới, chỉnh sửa dữ liệu cũ, làm sao cho dữ liệu của năm ba chục triệu tài khoản hiện tại khỏi “rung lắc”… Vậy mà trên mạng ác miệng lắm nhen. Có người phán xanh rờn: “Viết áp đâu phải là chỗ để khoe khả năng công nghệ. Áp làm không xong liệu có làm được gì lớn hơn” có lẽ là… đúng!

Hoàng Oanh

Có thể bạn quan tâm: