Mô hình “thành phố thông minh” – Ký xong, bao giờ làm?

Theo thông tin chính thức từ tập đoàn Viettel, tính đến nay đã có 30 tỉnh thành của Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Viettel ứng dụng giải pháp công nghệ thành phố thông minh.

Câu hỏi đặt ra lúc nay cho lãnh đạo tỉnh thành, khi nào sẽ ứng dụng mô hình này hay ký chỉ là động tác dùng viết ký tên vào đó, trao hồ sơ cho nhau rồi vỗ tay?

Trung tâm điều hành giao thông – 1 trong 14 giải pháp thành viên của mô hình “thành phố thông minh” của Viettel vừa được nhận giải thưởng “Thành phố thông minh” tại sự kiện WCA 2021. Ảnh: Đ.Thọ

Mô hình thành phố thông minh của Viettel là giải pháp công nghệ có 14 nội dung. “Viettel sẽ may đo theo nhu cầu, đặc điểm, thực trạng và văn hóa của từng tỉnh thành để sử dụng nguồn lực địa phương tối ưu, đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng sự hài lòng của người dân”, đại diện Viettel chia sẻ.

Từ năm 2020 cho đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành đã chững lại “cơn lốc thời đại 4.0” ở nhiều lĩnh vực, trong đó có mô hình thành phố thông minh như phát động từ Chính phủ cách đây 5 năm. Là đô thị lớn nhưng đến nay, cái gọi là “thành phố thông minh” chỉ loay hoay những phần việc mang tính thủ tục: lập dự án, xây dựng hạ tầng công nghệ, thử nghiệm những giải pháp đơn giản như quản lý giao thông… Chưa hề thấy giải pháp nào “thông minh” đúng nghĩa!

Đồ họa mô hình “Thành phố thông minh” của Viettel sẽ thực thi tại các tỉnh thành, nhưng bao giờ mới làm? Ảnh: A.T

Giải pháp công nghệ thành phố thông minh của Viettel đã được triển khai tại Huế. Tại sự kiện Telecom Asia Awards năm 2019, giải pháp này đã đạt giải thưởng viễn thông Châu Á ở hạng mục “dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á”.

Mới đây, ngày 26.10.2021, tại sự kiện World Communication Awards 2021 (WCA 2021), mô hình công nghệ thành phố thông minh của Viettel lại nhận được giải thưởng ở hạng mục “Thành phố thông minh” (The Smart Cities Award) với đánh giá từ ban giám khảo là “hiệu quả và sáng tạo”, qua mặt nhiều ông lớn trong làng viễn thông thế giới như China Telecom, KT…

Mô hình “Thành phố thông minh” của TP.HCM mới chỉ dừng lại ở giai đoạn 1 với một vài đầu việc cơ bản.
Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Giải thưởng “Thành phố thông minh” của WCA 2021 là hạng mục nhằm tìm kiếm giải pháp hoạt động hiệu quả và sáng tạo, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân và tăng hiệu quả điều hành của chính quyền thành phố.

Giải thưởng “Thành phố thông minh” của WCA 2021 dựa trên 5 tiêu chí: phạm vi ứng dụng của giải pháp, khả năng đáp ứng nhu cầu hoặc cải thiện cuộc sống của người dân, tính hoàn thiện so với các giải pháp hiện có trên thị trường, lợi ích giải pháp mang lại đối với người dân và vai trò của tổ chức, doanh nghiệp trong việc xây dựng thành phố thông minh.

Thịnh An

Có thể bạn quan tâm: