Dịch vụ cho thuê xe đạp: Chết không kịp ngáp!

Mô hình kinh doanh chia sẻ xe đạp (bicycle sharing) như cách gọi của nhiều dự án khởi nghiệp thịnh vượng vào những năm 2014 – 2015. Theo tôi, gọi “chia sẻ” không đúng lắm, phải gọi “cho thuê” mới chính xác với cách làm ăn của dịch vụ này.

Hàng triệu chiếc xe đạp chất đống ven đường ở Trung Quốc. Ảnh: Internet

Ban đầu, mô hình khởi nghiệp này “hot” lắm. Thời thượng mà. Nhưng chỉ được “vài chục con trăng”, mô hình này từ từ sa sút, rồi nhanh chóng lụi tàn!

Ofo (thành lập năm 2014) và Mobike (thành lập năm 2015) là hai công ty của Trung Quốc điển hình của mô hình cho thuê xe đạp. Ban đầu, làm mô hình này ở xứ này dễ phất vì người đông, với lại dân của họ từ trước đến giờ vẫn có thói quen đi lại bằng xe đạp do những quy định hạn chế xe máy rất ngặt, hạ tầng giao thông tốt, khí hậu ôn đới.

Những chiếc xe đạp trong công viên… Ảnh: Internet
Xác xe đạp vương vãi khắp nơi. Ảnh: internet
Chất thành đống. Ảnh: Internet
Hàng triệu chiếc xe đạp thành rác! Ảnh: Internet

Năm 2017, Ofo được định giá 2 tỉ USD khi có 10 triệu xe đạp ở 250 thành phố tại 20 nước. Năm 2018, Mobike bán lại cho Meituan với giá 2,5 tỉ USD khi xuất hiện trên 200 thành phố tại 19 nước. 

Năm 2018 cũng là lúc mô hình này bắt đầu chết. Mobike may mà bán được. Ofo yếu dần, đến năm 2020 ngừng hẳn, phá sản với cục nợ rất to. Hơn 40 hãng cho thuê xe đạp như Bluegogo, Mingbike, Wukong Bike… cũng “chết tốt” sau khi đốt hết tiền đầu tư như Bluegogo tiêu hết 120 triệu USD. Từ đây sinh ra các “nghĩa địa xe đạp” ở nhiều thành phố.

Xác xe đạp chiếm diện tích nhiều hơn xe hơi cũ tại Trung Quốc. Ảnh: Internet

Nhà nhiếp ảnh Wu Guoyong ở Thâm Quyến là chuyên gia chụp các nghĩa địa xe đạp. Nghĩa địa ở khu Phố Đông (Thượng Hải) với hơn 100.000 cái được sắp xếp khá ngăn nắp, nhìn từ trên cao xuống giống như cánh đồng hoa đầy màu sắc. Ở thành phố Hạ Môn (Phúc Kiến), “núi” xe đạp cao hơn 10m. Ở Vũ Hán, mái một ngôi đền màu đỏ ấn tượng giữa một rừng xe đạp. Ở Thiên Tân, Bắc Kinh…, xác xe đạp được chất dưới gầm cầu vượt, các dự án xây dựng bỏ hoang, công viên, ngõ hẻm… Chúng hỏng hóc, gỉ sét. Chiếc xe đạp, từ giải pháp môi trường trở thành vấn nạn môi trường.

Xe đạp cũ “xâm lấn” công viên của trẻ em. Ảnh: Internet
Xe đạp cũ chiếm tới sát nách khu dân cư… Ảnh: Internet

Tháng 7.2018, Mobike mất 2 tuần để vớt hơn 1.000 chiếc xe đạp từ các con sông ở Quảng Châu, trong đó 61% xe là sản phẩm của họ. Tháng 4.2018, Ofo cũng cho trục vớt hơn 2.000 chiếc xe từ dưới sông ở một số thành phố phía nam Trung Quốc. Những chiếc xe nằm hai bên bờ sông đã bị ném xuống sông.

Từng có thời huy hoàng, như là khuôn mẫu khởi nghiệp khi kêu gọi được hàng tỷ đô la Mỹ, giờ đã chết cách đây tận 3 năm rồi nhưng không hiểu sao vẫn có doanh nghiệp Việt áp dụng với những điểm yếu đã được nêu ở bài trước của tôi (http://didongvietnam.net/2021/11/04/dich-vu-cho-thue-xe-dap-song-duoc-may-con-trang/)!

Xác xe đạp chiếm hết phần đường đi của con người tại các đô thị. Ảnh: Internet

Thời đã qua, sẽ không còn quỹ đầu tư nào đổ tiền vào ngành này để cho đốt nữa [thiên thời], nơi không có khí hậu phù hợp [địa lợi], bị văn hóa xe máy lấn át [nhân hòa], không hiểu Trí Nam tìm ra điều gì để tồn tại, nói gì đến phát triển. Đồ rằng chỉ sau 1 tháng, những chiếc xe đạp kia sẽ xuất hiện ở các điểm thu mua ve chai. Dưng mà, 500 chiếc xe của giai đoạn thử nghiệm không nhiều lắm, coi như tiền viện phí để trị cơn thèm khởi nghiệp!

Đinh Hiệp

Có thể bạn quan tâm: