Tết năm nay, người dân có còn ùn ùn ra phố mua sắm?

Chỉ còn 50 ngày nữa là hết năm 2021. Tròn một năm người dân Việt vật vã vì dịch Covid-19. Câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp đặt ra lúc này: “Tết năm nay, người tiêu dùng có còn hào hứng, ùn ùn ra phố mua sắm như những tết trước?”.

Tết này không còn cảnh tung tăng mua sắm như những tết trước? Chắc là vậy rồi! Ảnh: A.T

Hỏi thì hỏi vậy, theo quan sát của Di Động Việt Nam, nhiều nhà sản xuất và bán lẻ vẫn làm hàng, nhập hàng chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm nhưng “phập phồng với bao nỗi… hoang mang”!

Gần cuối tháng 10 vừa rồi, tại một buổi tọa đàm về chuyện mua sắm Tết năm nay do hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, câu lạc bộ LBC và trung tâm BSA tổ chức, bà Nguyễn Phương Nga, giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Việt Nam nhận xét: “Tết là dịp mua sắm tưng bừng nhất của người dân Việt Nam. Nhưng sau đợt dịch vừa rồi, thói quen mua sắm, tiêu dùng đã thay đổi sẽ dẫn đến những thay đổi lớn về thị trường Tết năm nay”.

“Thói quen” mua sắm online!

Theo bà Nga, những ngày tháng dài trong vùng phong tỏa, người tiêu dùng đã quen mua sắm online. Nay chuyện dịch bệnh vẫn còn phức tạp, dù còn tiền dành cho Tết nhưng sẽ không còn cảnh tung tăng, nhộn nhịp, chen chúc đến siêu thị, trung tâm thương mại… mua sắm hàng Tết như những năm trước. Thay vào đó, người tiêu dùng sẽ đặt hàng Tết qua kênh online.

Tết này nhiều siêu thị sẽ vắng khách? Chắc là vậy rồi! Ảnh: A.C

Gói hàng Tết để tặng nhau cũng vậy. Trong một nghiên cứu của Kantar Việt Nam, 40% người dân ở TP.HCM nói rằng, sẽ đặt hàng Tết rồi giao tới tận nhà người nhận vì họ không thể đi gặp để tặng quà”. Bà Nga khuyên các doanh nghiệp nên chuẩn bị các giỏ quà Tết để đẩy lên web cho người tiêu dùng lựa chọn, càng sớm càng tốt, càng nhiều gói hàng càng dễ bán.

Cũng trong khảo sát này, nhiều người tiêu dùng cho biết, thay vì mua quà, sẽ chuyển bằng tiền mặt đến người nhận, tùy theo sở thích và nhu cầu mà người nhận tự mua sắm những mặt hàng cần thiết từ món tiền đó!

Hết tiền để dành!

Nhiều nhà sản xuất, nhà bán lẻ đang nghiêng nhiều về nhận định “người tiêu dùng đã hết tiền dự phòng sau những tháng ngày “nằm dài ở nhà” do dịch bệnh Covid-19 bao vây”. Cộng vào đó, hiện tượng thất nghiệp, nỗi lo dịch bệnh bùng phát trở lại đã làm người dân siết chặt “bóp và thẻ” trong việc mua sắm Tết, phòng khi…

Tết này sẽ giảm mua sắm những món hàng đắt tiền? Chắc là vậy rồi! Ảnh: A.T

Tháng 10 vừa rồi, bộ Lao động (gọi tắt như vậy) công bố những con số buồn: trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động do dịch COVID-19, có 4,7 triệu người bị mất việc (chiếm 16,5%), 14,7 triệu người phải tạm nghỉ và tạm ngừng sản xuất kinh doanh (chiếm 51,1%), 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên.

Đặc biệt, có 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập! Tiền lương bình quân của người lao động còn 5,2 triệu đồng/ người (quý III), giảm 877.000 đồng so với quý II và giảm 603.000 đồng so với 2020.

Ngoài ra, hàng triệu lao động từ các đô thị, vùng công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… chạy về quê hồi đầu tháng 10 đã làm thị trường mất đi lượng khách mua sắm khá lớn. Nhóm khách này sẽ không đổ vào trung tâm mua sắm hạng sang nhưng đổ vào siêu thị, cửa hàng nhỏ, tiệm tạp hóa… Giả định, mỗi khách hàng chỉ mua một túi hàng 500.000 đồng mang về quê, thị trường Tết tại TP.HCM năm nay sẽ mất đi hàng triệu túi hàng với giá trị không hề nhỏ. Đó là chưa kể khoản tiền chi cho gia đình trong những ngày giáp tết ở phố thị trước khi về quê.

Những yếu tố trên dự báo thị trường mua sắm Tết năm nay sẽ buồn nếu không muốn nói là rất buồn!

Vân Khôi

Có thể bạn quan tâm: