Dịp mua sắm cuối năm – Mùa kiếm cơm của hacker!

Những ngày “siêu sale” của các nhà bán lẻ trực tuyến vào dịp cuối năm như 11.11, Black Friday – 26.11, 12.12… là những thời điểm mà hacker (tấn công mạng) kiếm cơm rất ngon!

Cuối năm, lại là lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, mùa mua sắm online tăng mạnh. Ảnh: A.T

Với những công cụ chẳng có gì cao siêu nhưng đoán được những thói quen của người tiêu dùng, hacker ra tay với cơ hội “thành công rất cao”. Theo dữ liệu từ Liên hợp quốc, tội phạm mạng đã tăng 600% kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.

Những con số từ một báo cáo

Google đã có một nghiên cứu do YouGov thực hiện, khảo sát hơn 13.000 người trả lời từ 18 tuổi trở lên tại 11 quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, và Việt Nam. Kết quả, cứ 5 người có 3 người từng bị vi phạm dữ liệu cá nhân hoặc biết ai cũng bị như vậy.

“Thất thoát dữ liệu cá nhân từ những thói quen nguy hại, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia mất an toàn trực tuyến hàng đầu khu vực Châu Á -Thái Bình Dương”, theo báo cáo Trách nhiệm số của Google.

Chỉ cần 1 chiếc smartphone… là mua cả thế giới! Ảnh: A.T

Cũng trong khảo sát trên, những thói quen “xấu” khi trực tuyến của người dùng Internet là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tổn hại về dữ liệu cá nhân: chia sẻ, sử dụng mật khẩu cũ và sử dụng mật khẩu có thể đoán được. Ở Việt Nam, 98% người khảo sát cho rằng có “những thói quen xấu” so với 94% trung bình trong khu vực.

Mật khẩu – “Lá chắn” bị coi thường!

Khảo sát của Google cho thấy, tại thị trường Việt Nam, 90% người được hỏi đã sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều trang web khác nhau (so với 81% trong khu vực), gần 50% thừa nhận sử dụng một mật khẩu cho 10 trang web. Khi được hỏi lý do, 33% cho biết như vậy vì sợ quên mật khẩu mới, 34% nói rằng việc sử dụng một mật khẩu vì… thuận tiện!

Gần 50% người được hỏi thừa nhận đã sử dụng mật khẩu dễ đoán, bao gồm các tổ hợp dễ bẻ khóa nhất như ​​những người hay ngày quan trọng, tên thú cưng và thậm chí cả mã bưu điện. Tệ hơn, cứ 5 người sẽ có 1 người thừa nhận đã lưu mật khẩu trong ứng dụng ghi chú (Notes) trên điện thoại di động của họ, hầu hết trong số đó không được mã hóa theo mặc định. Tỉ lệ đặt mật khẩu dễ đoán của người Việt trong khảo sát cao nhất khu vực với 7/10 người.

Người sử dụng một mật khẩu cho nhiều công cụ, thiết bị khác nhau đâu biết rằng, “nếu mật khẩu bị đánh cắp trên bất kỳ trang web nào, tài khoản của họ trên các trang web khác sẽ dễ bị tấn công”.

Nếu sơ hở, tài khoản giao dịch các dịch vụ sẽ bị hacker tấn công.
Trong ảnh: Kết nối tài khoản VISA vào dich vụ Gojek Việt Nam. Ảnh: Gojek Việt Nam

69% người Việt chia sẻ mật khẩu với bạn bè và người thân

Bên cạnh việc đặt mật khẩu dễ đoán và dùng lặp lại trên nhiều website và dịch vụ trực tuyến, người dùng Việt còn có thói quen chia sẻ mật khẩu với bạn bè và người thân. Nghiên cứu trên cho thấy, cứ 1 trong 2 người được hỏi không hề e ngại về việc chuyển mật khẩu cho bạn bè hoặc gia đình khi truy cập vào các website thương mại điện tử và dịch vụ số. Ở Việt Nam, con số này là 69% – cao nhất trong khu vực. Trong số đó, chỉ có 5% sử dụng trình quản lý mật khẩu.

Về giao dịch trực tuyến, cứ 4 người có gần 3 người thừa nhận đã mua hàng trên các trang không có biểu tượng kết nối bảo mật, tạo cơ hội hoàn hảo cho những kẻ lừa đảo lấy cắp thông tin chi tiết. Đáng chú ý, 70% người được hỏi thông tin tài chính trực tuyến chia sẻ mật khẩu với bạn bè và gia đình. Tỉ lệ này đối với người Việt là 82%, cao nhất khu vực.

Di Động Việt Nam nghĩ rằng, nhiều người dễ dàng “tặc lưỡi” bỏ qua những khuyến cáo từ những khảo sát an toàn trên mạng trong thời gian gần đây. Đã đến lúc cần soát xét những thói quen nguy hại khi mua sắm và giao dịch trên mạng có liên quan trực tiếp đến tài khoản ngân hàng, chứng khoán…

Vân Khôi

(Tiếp theo: Những cách phòng vệ tài khoản cá nhân trên internet)  

Có thể bạn quan tâm: