Người tiêu dùng bắt đầu “quẹt thẻ” nhiều hơn, nhưng…

Tháng 11, sức mua nhiều mặt hàng thiết yếu, từ thực phẩm đến điện tử đã tăng. Nhiều nhà bán lẻ bắt đầu le lói và hồi hộp hy vọng thị trường tháng 12 sẽ “ngon hơn” so với những tháng còn lại của năm hết đỗi khốn khó vì dịch bịnh kéo dài.

Sức mua bắt đầu tăng từ tháng 10… Trong ảnh: Khách coi hàng iPhone 13 tại TopZone. Ảnh: H.Oanh

Theo tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính là 397.100 tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước (357.900 tỷ đồng). Như vậy, tính chung 11 tháng năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 4.128.500 tỷ đồng. Những nhóm hàng hóa có sức tiêu thụ mạnh vẫn là thực phẩm, ăn uống, điện tử…

Đối chiếu dữ liệu của chính tổng cục Thống kê, mức tăng của tháng 11 với tháng 10 không bằng mức tăng của tháng 10 so với tháng 9 là 18,1%. Tháng 10 là thời điểm mở cửa trở lại của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… sau nhiều tháng bị phong tỏa, cách ly nên sức mua tăng mạnh hơn là điều tất nhiên. Ông N.T, giám đốc kinh doanh của một nhà bán lẻ nói: “Những ngày cuối tháng 11, nghe các địa phương như: TP.HCM và các tỉnh miền Tây, miền Trung tăng ca nhiễm trở lại mà lo thúi ruột. Mừng là đến thời điểm này (cuối tháng 11), chưa có tỉnh thành nào thực hiện phong tỏa triệt để như trước đây. Hy vọng sẽ có mùa mua sắm cuối năm, từ giữa tháng 12 đến hết tháng 1 năm sau”.

Nhóm hàng thực phẩm có sức mua mạnh nhất. Ảnh: H.Oanh

Nhìn lại tháng 10 một chút. Tổng giá trị bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính là 357.900 tỷ đồng, tăng 18,1% so với tháng 9. Trong đó, doanh thu bán lẻ là 304.700 tỷ đồng, dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 27.600 tỷ đồng, du lịch lữ hành là 379 tỷ đồng, dịch vụ khác là 25.200 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm là 115.900 tỷ đồng, dụng cụ và trang thiết bị gia đình là 35.800 tỷ đồng, xăng dầu là 32.100 tỷ đồng, ăn uống là 25.900 tỷ đồng, hàng may mặc là 14.200 tỷ đồng, sản phẩm văn hóa giáo dục là 3.900 tỷ đồng… Nhiều tỉnh thành có sức mua tăng mạnh trong tháng 10 là: Khánh Hòa, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương…

Khi nhiều tỉnh thành bình yên, du khách lên đường du lịch. Trong ảnh: nhóm khách du lịch chạy từ Sài Gòn bằng motor phân khối lớn khám phá miệt Tây Bắc vào cuối tháng 11. Ảnh: Mai Triều Nguyên

Theo số liệu của tổng cục Thống kê, nhiều dịch vụ khác của tháng 10 như lưu trú, du lịch đã tăng trở lại tại nhiều tỉnh thành: Bình Định, Hà Nội, Khánh Hòa, Cần Thơ, TP.HCM… với mức dao động từ 10 – 400% tùy theo mức độ an toàn về dịch bịnh, theo cảnh báo của bộ Y tế và các tỉnh thành.

Dù thông tin về chủng mới Omicron đang làm người dân chút hoang mang nhưng nhiều nhà bán lẻ vẫn tin có mùa mua sắm cuối năm nay với tỷ lệ 85 – 90% so với năm ngoái!

Hoàng Oanh

Có thể bạn quan tâm: