Có những thứ hột “không thể nào quên”!

Mít rất thơm. Còn sầu riêng, kẻ bảo thơm, người bảo thúi…  Nhưng chuyện đáng bàn chính là hột của những loại trái cây đó. Nhiều phát hiện từ rất xưa về giá trị của các loại hột đáng “đồng tiền bát gạo”!

Hột điều rang muối… Ảnh: A.T

Bắt đầu từ hột mít!

Cùng sinh ra từ trái mít nhưng múi mít “lên voi” còn hột mít có vẻ “xuống chó”. Hồi còn nhỏ, mỗi lần nghe “bủm” phát ra từ đâu đó, chẳng đứa nào dám nhận. Vậy là cả bọn ngồi thành vòng tròn, rồi hát bài đồng dao: “Xù xì xục xịch, hột mít lùi tro, ăn no ra gò té… địt”. Cứ mỗi từ, chỉ vào một đứa. Đến từ “địt” (đừng nghĩ đến chuyện ấy!) chỉ trúng đứa nào, cả bọn xúm lại “quánh”! Trẻ con là vậy…

Chuyện ăn hột mít lùi tro hay nhiều món lùi tro như củ mì, củ lang… là ký ức của trẻ quê. Mấy món lùi tro sapo mà ngon đến zậy, nhưng ngon nhứt là ốc bươu lùi tro. Trở lại với hột. Vì sợ “té…” mà nhiều bà mẹ ít xài món hột mít lùi tro mà là luộc hoặc ghé vào nồi cơm. Có khi dùng hột mít làm nhưn cho mấy món bánh. Ngon đâu thua gì đậu xanh, đậu đen…

Hột mít nấu cà ri nước dừa là món mộc mà ngon. Ảnh: Ngữ Yên

Nhiều người nói rằng “làm gì có chuyện hột mít ăn no té…”. Mãi sau này tôi mới biết trong tinh bột của hột mít có chứa 30% tinh bột đề kháng. Không như các loại tinh bột khác, loại tinh bột này chống lại việc tiêu hóa của ruột non nên có tên là đề kháng. Ăn vào, nó sẽ đi thẳng vào ruột già như các chất xơ. Các chuyên gia nói “chuyện không qua trung gian ấy tốt cho việc tiêu hóa, giúp cho khuẩn ruột già phát triển”.

Trong khi hột mít ở Việt Nam chỉ dành cho mấy đứa trẻ quê lùi tro và các bà mẹ tiếc của, còn ở các nhà máy chế biến mít và người dân thành thị chỉ là loại rác thải sinh học vất vào thùng rác, nhiều xứ ở Đông Nam Á này coi đó một thứ nguyên liệu chế biến ra nhiều món ăn độc đáo.

Ăn mít xong, dân Nam Ấn đem phơi hột mít vài giờ đồng hồ cho dễ lột vỏ. Họ cắt mỗi hột ra làm hai hoặc bốn, lớp vỏ trắng bong ra. Đem luộc cho mềm sau khi rửa sạch. Dùng bột hạt đậu gà, nước dừa tạo thành một dạng bột nhão mềm. Bắc chảo dầu lên, xào cà ri, gừng, ớt, hành tây cho tới khi hành ngả vàng nâu. Rồi rang hạt mít. Cho bột nhão và nước vừa ngập hột mít, nấu cho tới khi váng dầu nổi lên mặt. Đó là chưa kể món hột mít cháy tỏi, hột mít ngào đường muối

Tới hột sầu riêng

Hột sầu riêng nấu canh giò heo, món ăn của người dân Bến Tre. Ảnh: A.T

Nhiều người ăn sầu riêng xong, cho hột vào sọt rác. Vậy là bỏ qua những cái ngon được trời ban. Ngoài tinh bột nhiều do cái hột thiệt to, hột sầu riêng còn giàu kẽm, một chất cần thiết cho cơ thể. So với hột mít, hột sầu riêng luộc ăn bùi hơn. Bạn đã ăn khoai tây chiên, sa kê chiên…, hãy thử lấy hột sầu riêng lột vỏ xắt miếng ra chiên thử coi mùi vị nó như thế nào.

Chế biến hột mít như thế nào thì cũng có thể chế biến hột sầu riêng y như vậy. Dùng bột từ hột sầu riêng làm bánh y như làm với bột gạo. Dân Sri Lanka cho rằng nước ngâm từ hột sầu riêng là một loại viagra. Ai có nhu cầu, cứ thử xem. Đại học Quốc gia Singapore phát hiện ra hột sầu riêng được dùng làm chất ổn định trong thực phẩm, vừa rẻ tiền vừa hiệu quả cao.

Sang nhất là hột điều!

Hột điều tươi nướng trên than củi. Ảnh: A.T

Một loại hột sang chảnh hơn cả chính là hột điều. Lâu nay, cứ quen xài hột điều rang như thứ ăn vặt, thay thế chất béo và tạo hương như hột đậu phộng. Dùng trộn gỏi. Vậy mà mấy ai biết hột điều được chế biến hàng chục món ăn sang trọng. Hột điều mà làm bơ, là “ông nội” của bơ đậu phộng. Dễ làm lắm. Chỉ cần có cái máy chế biến thực phẩm và hột điều nữa là cho ra món bơ hạt điều.

Hột điều còn là món ăn không thể thiếu của người ăn chay, đó là món kem hột điều, không thua gì kem sữa bò. Kem hột điều là thứ thay thế phó mát Parmesan khi làm xốt trộn với mì Ý. Món Pesto Pasta này được ca ngợi ầm ầm, mà cách làm chẳng lấy gì công phu cho lắm. Chỉ cần cho hột điều, nước tương miso, tỏi, lá é tươi, nước cốt chanh và dầu ô liu vào máy chế biến quậy cho đến lúc tất cả sền sệt là “tới luôn bác tài” bữa mì chay! Còn hột điều mà dập bánh cốm… ăn biết bao giờ mới đã?

Ngữ Yên

Có thể bạn quan tâm: