Sao mà nhớ… mấy thứ bánh xưa

Những thứ bánh trong ngày tết mà má tôi thường tự làm hoặc sắm sanh có: bánh tét, bánh thuẫn, bánh in, bánh oản và bánh cốm nổ. Nhiều thứ bánh ấy bây giờ dường như đã khan hiếm giữa chốn Sài Gòn!

Cách đây nhiều năm tôi thường cúng bánh in trong ngày Tết. Sống bằng ngòi bút. Viết bài nào gửi đi được đăng là mừng rơn. Nên cúng bánh in, cho bài được in đều đặn. Nhưng ra chợ Thái Bình kiếm không ra. Phải về tận quê nhà ở Vạn Giã (Khánh Hòa) mới tìm được phong bánh in.

Cảnh nấu bánh tét ăn tết ở quê! Ảnh: A.T

Nói gì nói, tết ở quê không thể thiếu bánh tét. Ngày xưa, bánh tét không bán ngoài chợ. Mỗi nhà đều tự nấu hoặc hai ba nhà cùng nhau nấu một nồi. Cái nồi to nhất ở nhà tôi là nồi nấu cháo heo. Cao chừng tám tấc. Đường kính năm tấc. Nắp vung như cái nón. Trước ngày nấu bánh, má tôi vét hết cháo heo ra thau, chùi nạo sạch sẽ. Ba tôi đánh chiếc cộ lên núi. Suốt một ngày ông đi kiếm củi. Xế chiều chất lên cộ đánh về đổ bên hông nhà sau, nơi sẽ kê thùng bánh tét trên ba cục đá xây móng nhà còn sót lại. Đi chặt củi, ông không quên chặt mớ cây giang. Thứ này chẻ lạt gói bánh dẻo hết biết. Nhưng dún lạt bằng tay ướt dễ bị đứt tay. Bánh tét miền Trung không dún lạt chặt nên không để lâu được. Nhà không đủ lá chuối phải đi mua ở chợ cùng với đậu xanh và thịt mỡ. Nhưn đậu xanh và thịt mỡ dường như đã trở thành một thứ “chữ ký” riêng cho bánh tét. Bây giờ, ăn bánh tét nhưn khác, tôi không thấy ngon. Ăn lát bánh là ăn nỗi nhớ lát bánh tét má gói ngày xưa gồm đậu xanh và thịt heo mỡ. Ngon là ngon nỗi nhớ, không phải ngon vật lý nữa rồi.

Ngày xưa người dân quê tôi thường trồng lúa mướp, gặt trước tết. Còn ba tôi dành vài sào ruộng trồng nếp để dành cho ba bữa tết. Lúa mướp có hột gạo đỏ au, chịu gió vì quê tôi ở gần Tu Bông – cái nơi gió khét tiếng miền Trung vào những ngày cuối năm. Nếp gặt cùng lúc với lúa mướp, nhưng vì ít chịu gió hơn nên năng suất kém. Ba tôi biết vậy, vẫn trồng để có cái mà gói bánh tét cho ba ngày tết.

Gói bánh là công việc của má. Nấu bánh là công việc của ba. Thường nấu hết một đêm, bánh vớt ra còn phải ngâm nước lạnh cho bánh rền.

Đổ bánh thuẫn. Ảnh: A.T

Sau khi bàn tính xong chuyện bánh tét từ 23 tết. Mấy ngày sau là gom trứng gà chuẩn bị cho mấy ổ bánh thuẫn. Khuôn bánh thuẫn bằng đồng sắm từ lâu lắm rồi cùng với cối xay gạo bằng đá để làm bột. Rồi cối xay lúa. Cối giã gạo cho bóng. Bây giờ khuôn bánh thuẫn và những thứ đó chợt biến mất. Hỏi chẳng ai nhớ chúng đã đi đâu về đâu. Có lẽ vào tay những nhà sưu tập!

Gay nhất khi làm bánh thuẫn là đánh trứng bằng tay. Phải đánh đều tay cho đến khi trứng “dậy hết cỡ” mới cho bột mì vào. Lúc đó, bánh mới nở. Nhìn những cái bánh nở bung như hoa, người thưởng thức và người đổ bánh đều hài lòng. Còn nhớ, lúc đổ bánh, lửa phải rải đều cả dưới đáy lẫn trên nắp khuôn. Thơm ngát mùi bột vanille.

Sên mứt dừa. Ảnh: A.T

Mứt là thứ không thể thiếu và không phải mua. Má tôi chỉ biết làm mứt dừa, mứt gừng và mứt me. Thỉnh thoảng, có thời gian bà làm thêm mứt chùm ruột. Hai cây chùm ruột bên hông nhà giờ đây đã theo ba tôi đi xa. Muốn làm mứt dừa phải trữ dừa già. Rồi chặt, rồi cạy cơm và xắt. Lúc phơi, bọn con nít phải coi chừng cho gà tới gần mổ phá. Vậy mà lủng thủng vài chỗ… Mứt gừng phải xâm bớt nước cay, bọn con nít dự phần trong khâu xâm này. Mứt me phải ngâm nước rồi lột vỏ. Bọn con nít cũng có công trong khâu lột vỏ. Mứt dừa và mứt gừng phải sên, do một tay má làm. Mứt me chỉ ngâm nước đường.

Để bày cho đủ mâm bánh trái ngày tết, má tôi không có giờ dập bánh in, vỗ bánh oản nên phải mua ở chợ cùng các loại trái cây. Tết bây giờ đã khác. Thứ gì cũng mua. Đâu còn cảnh hì hụi, lui cui…

Cay xè nước mắt…

Thu Trân

Có thể bạn quan tâm: