“Thăm khám sức khỏe” cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM

Chiều nay, 29.8.2022, hội thảo “Thăm khám sức khỏe Start-up”, hoạt động bên lề của cuộc thi Viet Solutions 2022 đã diễn ra tại TP.HCM. Đây là điểm dừng chân cuối cùng của chuỗi sự kiện này. Trước đó, hai hội thảo tương tự đã được tổ chức ở Hà Nội và Đà Nẵng.

Buổi “thăm khám sức khỏe” cộng đồng khởi nghiệp tại TP.HCM đông hơn ở 2 lần trước. Ảnh: V.Khôi.

Bên cạnh các khách mời từ 2 phiên trước là bà Trần Mai Anh (founder quỹ Thiện Nhân), ông Nguyễn Thế Duy (founder ADT Creative, chủ tịch liên minh Metaverse) và ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch kiêm CEO tập đoàn truyền thông Lê), khi sự kiện tổ chức tại TP.HCM còn có các chuyên gia “quen mặt” trong cộng đồng khởi nghiệp như: ông Bùi Quang Minh (nhà sáng lập Beta Group), ông Võ Trần Đình Hiếu (đại diện Quỹ Viisa), bà Lê Huỳnh Kim Ngân (quỹ đầu tư mạo hiểm ThinkZone), bà Nguyễn Thị Hiệp (quản lý cấp cao Delloite) và ông Nguyễn Quý Tính, giám đốc trung tâm kinh doanh VAS của Viettel Telecom.

Ban tư vấn 1 chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp. Ảnh: V.Khôi

Tại hội thảo chiều nay, giữa ban tư vấn và cộng đồng khởi nghiệp tại TP.HCM đã trao đổi thẳng thắn những vấn đề nhìn từ hai phía.

Về phía cộng đồng khởi nghiệp đã đặt những vấn đề mang tính sơ khởi như: Cách quản trị nhân viên khi dự án có số lượng người tham gia vượt quá tầm quản lý của một dự án khởi nghiệp? Liệu ban giám khảo có đủ sức đánh giá những công nghệ mới? Hỗ trợ công nghệ từ phía Viettel Telecom cho các dự án? Làm cách nào gọi vốn khả thi nhất…

Doanh nghiệp khởi nghiệp nêu những vấn đề còn vướng mắc. Ảnh: V.Khôi

Trong khuôn khổ “thăm khám sức khỏe”, các chuyên gia đã giúp các nhà khởi nghiệp hiểu được tình trạng, mức độ phát triển của doanh nghiệp, chia sẻ những lời khuyên hữu ích giải quyết những khó khăn khi khởi nghiệp, cũng như cách thức gọi vốn, vận hành doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi làm sao gọi vốn, bà Nguyễn Thị Hiệp (Deloitte) chia sẻ: “Các dự án cần có kế hoạch cụ thể và rõ ràng, phải làm sao để nhà đầu tư tin, lúc đó sẽ kiếm được tiền đầu tư. Tất nhiên, các bạn cần hiểu rằng, để kiếm được tiền không hề dễ dàng vì nhà đầu tư có quá nhiều kinh nghiệm. Với các dự án khởi nghiệp, không chỉ kể được khát vọng mà là chứng minh bằng những con số, giá trị thực của chính dự án đó”. Ông Võ Trần Đình Hiếu (đại diện quỹ Viisa) chia sẻ thêm: “50-50 là tỷ lệ hợp lý. Trong đó, 50% do tác động từ các yếu tố bên ngoài, 50% là tự giá trị của chính dự án đó”. Bà Lê Huỳnh Kim Ngân (quỹ đầu tư mạo hiểm ThinkZone) nhắc nhở các chủ dự án: “Khi nói về dự án, cần nhấn mạnh vào những giá trị thiết thực. Các chủ dự án cần biết sản phẩm của mình đang làm gì, có giá trị đến đâu, mục tiêu của dự án… thay vì phải nói lan man…”.

Ban tư vấn 2 chia sẻ, gợi ý những việc cần làm với cộng đồng khởi nghiệp. Ảnh: V.Khôi

Nói về năng lực của ban giám khảo khi đánh giá dự án, nhất là những dự án sử dụng công nghệ cao, đại diện ban tư vấn cho biết, hội đồng giám khảo là các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, như sự có mặt của ông Nguyễn Thế Duy, founder ADT Creative kiêm chủ tịch liên minh Metaverse!

Viet Solutions là cuộc thi do bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, cục Chuyển đổi số quốc gia và Viettel đồng tổ chức. Trong mùa giải năm 2022, lần đầu tiên Viet Solutions mở rộng đối tượng tham gia dự thi bao gồm cả những dự án khởi nghiệp về cộng đồng, bên cạnh những giải pháp về công nghệ. Viet Solutions 2022 được tổ chức thành 3 vòng thi, gồm: vòng sơ loại, vòng bán kết và vòng chung kết; sẽ có 9 giải thưởng, mỗi giải trị giá 200 triệu đồng.

Để tham dự cuộc thi Viet Solutions 2022, ban tổ chức kêu gọi cộng đồng khởi nghiệp tham gia, nộp hồ sơ online tại website: www.vietsolutions.net.vn. Thời hạn nhận hồ sơ đến hết 10.9/2022.

Theo thống kê, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2021 đạt mức kỷ lục với hơn 1,4 tỷ USD, trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP.HCM. Hiện TP.HCM có khoảng 2.000 dự án khởi nghiệp, trong đó, khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm 65%.

Vân Khôi

Có thể bạn quan tâm: