Viễn Thông A… giờ chỉ còn một chữ V!

Thứ tư – 08/05/2019 15:25 

Sau gần nửa năm mua lại hệ thống bán lẻ kỹ thuật số mang tên Viễn Thông A (viết tắt là VTA), Vingroup bắt đầu tiến trình xóa thương hiệu này trong ký ức của khách hàng và trên thị trường.

Vẫn còn tên Viễn Thông A nhưng “ruột” đã về chủ mới! ảnh: M.P

Tại địa chỉ 74 Cách mạng tháng Tám (Q.3, TP.HCM), tên và logo VTA đã biến mất, thay vào đó là tên mới: trung tâm chăm sóc khách hàng Vsmart (thành viên của Vingroup) và biểu tượng ngọn lửa trắng trên nền màu cam. Đó là quyền của chủ mới nhưng với một thương hiệu đã hơn 21 năm tồn tại, từng là “đệ nhất” trong lĩnh vực bán lẻ hàng số như VTA, sao mà xót!
Nghe nói, vào tháng 6.2019, tiến trình “tẩy rửa” đồng loạt thương hiệu VTA sẽ bắt đầu trên toàn hệ thống, chỉ còn giữ lại một chữ V, hoặc là Vsmart, hoặc là VinPro.

Bất ngờ
Từ cuối năm 2016, chủ cũ của VTA đã ráo riết tìm và rao bán toàn bộ hệ thống. FPT và Thế giới Di động đã từng “thăm dò” VTA nhưng thấy giá quá cao so với giá trị thương hiệu nên rút lui. Có nguồn tin nói rằng, FPT sau đó có quay lại vài lần nữa, tới khâu đọc được sổ sách… nhưng rồi đàm phán giá cả không thành. Sau đó mới đến lượt Vingroup.
Đầu tháng 6.2018, coi như VTA đã thuộc về Vingroup nhưng thông tin này không được tiết lộ ra ngoài. Đến đầu tháng 8.2018, khi phòng nhân sự của Vingroup bắt đầu sát hạch lao động, lúc đó thông tin Vingroup mua VTA mới bắt đầu lọt ra ngoài. VTA buôn bán cầm chừng vì lao động bắt đầu nghỉ việc từng nhóm…
Giới kinh doanh cho rằng, việc Vingroup mua lại VTA là thay thế cho hệ thống VinPro+, chuỗi bán lẻ hàng kỹ thuật số đã đóng cửa hồi tháng 9.2016 vì kinh doanh không hiệu quả. “Là nhà kinh doanh địa ốc nên Vingroup sẽ không quan tâm đến mặt bằng dù VTA có nhiều mặt bằng đẹp. Vì có nhiều tiền nên muốn là họ có ngay đội ngũ lao động lành nghệ từ các đối thủ. Theo tôi, việc mua lại VTA chính là khai thác thương hiệu VTA đã được khách hàng biết đến vài chục năm nay để cạnh tranh với Thegioididong.com và FPT Shop”, cựu quản lý cao cấp của VTA đã từng nhận định như vậy.

Nhiều địa chỉ đẹp giờ đã chuyển sang tên mới: VinSmart! Ảnh: M.P

Nhiều nhà kinh doanh trong nhóm hàng số cũng có nhận xét tương tự. Giám đốc một kênh bán lẻ lớn cho rằng, Vingroup sẽ khai thác thương hiệu VTA ít nhất trong vòng 5 năm. “Trong vài năm trở lại đây, VTA có sút giảm thị phần và doanh thu nhưng vẫn là đối thủ chính của Thegioididong và FPT Shop”, vị giám đốc này bình luận. Hồi đầu năm 2019, nhiều nhân viên VTA tin rằng “thương hiệu này sẽ được giữ lại vì sức ảnh hưởng còn lớn”.

Một thời đỉnh cao chói lọi

Cửa hàng đầu tiên của VTA có tên là “Fonemart Viễn Thông A” xuất hiện vào năm 1997. VTA là thương hiệu bán lẻ đầu tiên xây dựng mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại: vừa bán hàng, vừa có trung tâm bảo hành mà về sau, những mô hình chuỗi Mobimart, Thegioididong… “tham khảo”. Tính đến ngày Vingroup thâu tóm, VTA có trên 300 cửa hàng trên toàn quốc.
VTA đã từng có mặt trong danh sách 500 doanh nghiệp bán lẻ lớn của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) năm 2012. Từ năm 2011 cho đến 2016, doanh thu hàng năm của VTA tăng dần đều. Năm 2011, VTA có doanh thu 1.700 tỷ đồng, năm 2013 là 2.000 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu của VTA gần 4.800 tỷ đồng, mức doanh thu cao nhất từ khi thành lập cho đến ngày “suy tàn”.

VTA từng là đối tác của nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới. Trong ảnh: VTA ký kết với Microsoft. ảnh: M.P

Khi thị trường chuyển dịch sang smartphone, VTA là thương hiệu bán lẻ đầu tiên thành lập các trung tâm smartphone (điểm đầu tiên vào năm 2011) tại TP.HCM, Phan Thiết… để khách hàng làm quen với dòng sản phẩm mới này.

Rơi xuống “vực sâu”

Có nguồn tin nói rằng, VTA sụp đổ chính là đổ vỡ mối quan hệ của các cổ đông lớn, có quan hệ ruột thịt. Vì không đủ thông tin để kiểm chứng nên không dám bàn sâu góc độ này. Chỉ nhìn thấy, từ cuối năm 2016, nội bộ “xào xáo”, thay đổi lãnh đạo xoành xoạch… 
Vậy VTA được bán với giá bao nhiêu? Đến nay Vingroup chưa công bố, chỉ biết có thông tin gần đây cho rằng, chủ mới trả thêm cho VTA số tiền là 24 tỷ đồng, bao gồm trách nhiệm trả những khoản nợ mà VTA đứng tên. Có một nguồn tin riêng, giá của VTA ban đầu được định là 600 tỷ đồng nhưng vì sổ sách không rõ ràng nên có giảm giá! Theo số liệu đã được Vingroup công bố: trong 8 tháng của năm 2018 (từ ngày 1.1 đến 21.8), VTA lỗ trước thuế 226 tỷ đồng!
“Cái chết” của VTA đã được báo trước từ giữa năm 2017. Những ông bà chủ của thương hiệu này không muốn VTA sống để bán được giá mà cho trượt dài. Ngay cả khi về tay Vingroup, VTA không hề khởi sắc mà càng trượt dài hơn. Nhiều cửa hàng vẫn sáng đèn, treo biển quảng cáo nhưng vắng khách đến. Dường như Vingroup muốn vậy…
Khi biết chuyện thương hiệu VTA từ từ biến mất, ông Trần, đã làm việc 4 năm tại VTA nói: “Rất buồn khi một thương hiệu như VTA không có chỗ đứng trong lĩnh vực bán lẻ”. Còn một nhà bán lẻ tiếc nuối: “Dù gì, họ cũng giữ dấu ấn tiên phong trong việc tạo ra kênh bán lẻ hiện đại tại thị trường Việt Nam. Tiếc là công sức xây dựng chừng ấy năm để rồi cuối cùng bán rẻ quá”.
VTA giờ chỉ còn một chữ V! Nghe sao thật buồn

Trọng Hiền

Có thể bạn quan tâm: