Gọi là “cò” chẳng sai nhưng nghe có cảm giác xấu. Gọi là “ông mai bà mối” lại thơ quá… Dù gọi gì, tùy theo từng trường hợp nhưng công việc của họ là kết nối cộng đồng trên nền tảng công nghệ. Công việc này mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng quá nhiều rủi ro, từ thời gian cho đến nhân lực, tiền bạc…
Kết nối để tạo cộng đồng
Đầu tháng 4.2019, tại TP.HCM, công ty ADiDi chính thức “chạy” ứng dụng AdiDi trên hệ điều hành Android và iOS. Đây là ứng dụng công nghệ của mô hình “6 trong 1” lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Việt Nam, từ giao hàng, lắp đặt, giao hàng và lắp đặt, bảo hành sửa chữa, thuê kho cho đến thu tiền giùm với số tiền tối đa lên tới 100 triệu đồng.
Theo ông Hồ Đức Trí, trong mô hình này, ADiDi có vai trò “mai mối” giữa các nhà bán lẻ, phân phối, nhân viên dịch vụ và người tiêu dùng. Đến nay ADiDi đã kết nối hơn 1.000 nhân viên giao hàng, lắp đặt – bảo trì và sửa chữa; Panasonic, 266 (nhà phân phối hàng điện tử lớn nhất phía Nam) 266, Tiki…; các trường dạy nghề: Cao Thắng, ĐH Công nghiệp TP.HCM… để đào tạo nhân lực; với các ví điện tử: VNPay, MoMo, AirPay… Ông Trí tiết lộ: mất 18 tháng và gần 10 tỷ đồng để hoàn thiện ứng dụng ADiDi (chạy trên Google Play và Apple Store).
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đánh giá cao công cụ HaraRetail vì đây là nền tảng công nghệ đầu tiên đã kết nối nhà bán lẻ trực tuyến với ngân hàng, ở đây là VPBank. Ông Huỳnh Lâm Hồ, giám đốc điều hành công ty Haravan cho biết, mục tiêu của chương trình (tháng 4.2019 – tháng 4.2020) là 50.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình tham gia kinh doanh trực tuyến. Bà Đặng Thị Châu Giang, trưởng phòng tiếp thị VPBank cho biết: “Khi doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, sẽ được cho vay 3 tỷ đồng kèm theo các ưu đãi, được sử dụng giải pháp quản lý bán lẻ HaraRetail miễn phí vĩnh viễn…”.
Tháng 4.2019, tập đoàn công nghệ CMC đã công bố hệ sinh thái hạ tầng mở có tên là C.OPE2N (CMC Open Ecosystem for Enterprise) cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông Nguyễn Trung Chính, tổng giám đốc CMC chia sẻ: “Đây là hệ sinh thái giúp doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tiếp cận nhanh với kinh tế số”. Nền tảng C.OPE2N có 5 tầng: dịch vụ đám mây, dịch vụ, quản lý và phân tích dữ liệu với nhiều nguồn khác nhau, dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng thông minh theo nhu cầu của từng doanh nghiệp. Ông Chính cho biết thêm, các ứng dụng có trên hệ thống C.OPE2N, vừa có các ứng dụng do chính CMC phát triển và có ứng dụng của các đối tác tham gia.
Tại diễn đàn thương mại điện tử 2019 (tổ chức vào giữa tháng 4), Sapo, nhà cung cấp phần mềm quản lý bán hàng đa kênh đã tặng cộng đồng kinh doanh trực tuyến ứng dụng quản lý bán hàng Sapo chạy trên các thiết bị di động. Ông Trần Trọng Tuyến, giám đốc điều hành của Sapo nói: “Mục đích của ứng dụng là giúp các chủ shop làm quen với công nghệ trong quản lý bán hàng. Chưa tới 10 giây, ứng dụng Sapo sẽ thành máy bán hàng thu gọn. Chủ shop nhập hàng, quản lý bán hàng, kiểm soát hàng tồn kho và danh sách khách hàng. Hiện ứng dụng này đã tích hợp các nhà vận chuyển như Giao hàng tiết kiệm, VNPost, Giao hàng nhanh…”, ông Tuyến nói.
Nhưng không dễ ăn!
Nói chuyện với cộng đồng tham dự Diễn đàn công nghệ 2019 vừa tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Make in Vietnam”, ông Chính vận động doanh nghiệp nên khai thác tài nguyên có sẵn trên C.OPE2N cũng như chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm để cộng đồng tham khảo.
Nhưng đối tượng khó nhất mà các “ông mai bà mối” công nghệ e ngại và phải tốn nhiều công sức và tiền của chính là khách tiêu dùng, những hộ gia đình kinh doanh, cửa hàng nhỏ và cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dù miễn phí hay trả mức phí thấp hơn các dịch vụ đang có mặt trên thị trường nhưng thuyết phục được những đối tượng trên sử dụng công nghệ không hề dễ chút nào. Nói như ông Trí là “chảy mồ hôi, sôi nước mắt”.
Ông Tuyến kể, vừa rồi Sapo có đợt khảo sát với 500 chủ cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, có đến 60% chủ các cửa hàng không hề dùng công cụ công nghệ nào để kiểm soát mà vẫn còn quản lý bằng “những quyển sổ truyền thống”. “Họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát được doanh thu, lỗ lãi, thất thoát hàng hóa, dễ rơi vào tình trạng lãi ảo, lỗ thật nhưng khi mời họ dùng ứng dụng thiệt là khó. Phải kiên trì nói chuyện, họ mới chịu sử dụng”, ông Tuyến nói.
Theo ông Trí của ADiDi, khi các nhà bán lẻ phải vừa lo bán hàng đồng thời phải tính toán chi phí cho những dịch vụ: giao hàng, lắp đặt, bảo hành với nhiều rủi ro, tăng chi phí bán hàng, lẽ ra khi có người giao hàng, lắp đặt…, họ phải mừng nhưng trên thực tế rất khó thuyết phục đồng hành cùng với nhà cung cấp dịch vụ. “Cần phải có thời gian tự chứng minh mình như là một cách thuyết phục để khách hàng nhiều phía tin tưởng. Khi họ tin, tôi nghĩ nhiều bên sẽ ngồi lại với nhau”, ông Trí kết câu chuyện.
Kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam đang bùng nổ nhưng theo ông Lê Anh Bằng, giám đốc phát triển sản phẩm của Haravan, phần lớn hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ “vẫn chưa ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, dẫn đến hiệu quả ngày càng thấp, buộc phải thu nhỏ quy mô; trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam không chỉ mạnh về vốn mà còn bạo về công nghệ…”. Ông Hồ nói thêm: “Nếu không ứng dụng công nghệ trong thời điểm này, kết cục trong hiện tại và tương lai của doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến Việt Nam rất là bi kịch”.
Chính phủ lo những chuyện tầm quốc gia bằng những đợt vận động như sự kiện “Make in Vietnam”. Còn các tổ chức quản lý đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tìm những cách làm dễ nhưng có ích cho cộng đồng…
Quang Nghiễm