Cách đây vài ngày, hôm 29.5.2019, VinSmart tuyên bố “Vsmart đã có mặt tại Myanmar” khi nối kết với nhà phân phối Strong Source có 1.500 cửa hàng. Cũng tại thị trường Myanmar, VinSmart còn hợp tác với 2 nhà bán lẻ là nhà khai thác dịch vụ viễn thông Mytel và Shop.com.mm.
Hồi giữa tháng 3.2019, những chiếc smartphone mang tên Vsmart của VinSmart đã có mặt tại Tây Ban Nha với đối tác là công ty MediaMarkt. Dự kiến trong năm 2019, Vsmart sẽ có mặt tại: Ấn Độ, Thái Lan, Lào và Campuchia.
Nói về sự kiện Vsmart có mặt tại Myanmar, phó tổng giám đốc VinSmart, bà Nguyễn Thị Bích Phượng chia sẻ: “Dù rất nhiều thương hiệu đã nhập cuộc và cạnh tranh khốc liệt nhưng Myanmar là thị trường tiềm năng. Với nền tảng công nghệ và các đối tác phân phối, Vsmart sẽ là một trong những thương hiệu smartphone được ưa chuộng tại đây”.
Tại Myanmar (cũng như tại thị trường Tây Ban Nha), VinSmart bán 4 dòng sản phẩm đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam hồi cuối năm 2018: Joy1, Joy1+, Active 1 và Active 1+. Chưa rõ giá bán những sản phẩm này tại thị trường nước ngoài như thế nào, nhưng giá của các dòng trên tại thị trường Việt Nam hiện có mức giá từ 2,19 triệu đồng (Joy1) cho đến 5,79 triệu đồng (Active 1+).
Chưa biết sức tiêu thụ của Vsmart tại Tây Ban Nha và Myanmar sẽ như thế nào nhưng tham vọng “smartphone của một thương hiệu Việt, sản xuất tại Việt Nam có mặt tại thị trường nước ngoài” đã thành sự thật.
Vậy VinSmart đang tính nước cờ gì khi “đem Vsmart đi đánh xứ người”? Giám đốc kinh doanh của một hệ thống bán lẻ lớn (yêu cầu không nêu tên) nói rằng: “Tham vọng của họ quá lớn. Tại sự kiện ra mắt 4 dòng smartphone đầu tiên, tôi nhớ cựu tổng giám đốc VinSmart Trần Minh Trung có nói về mục tiêu: sau 18 tháng Vsmart sẽ chiếm 30% thị phần Việt Nam. Nếu là thị phần của riêng phân khúc giá thấp còn có thể được, còn nếu 30% thị phần tổng thể chỉ là một… giấc mơ”.
Vị giám đốc này còn chia sẻ, thị phần cuả Vsmart (tháng 4.2019) tại Việt Nam ước chừng 2 %, khoảng 22.000 máy/ tháng. Đây là con số quá nhỏ so với nhiều tên tuổi khác trên thị trường. “Khi mới xuất hiện, Vsmart thu hút được cộng đồng vì dù gì cũng là thương hiệu Việt có nhiều kỳ tích: trong 6 tháng đã có sản phẩm kinh doanh, xây dựng nhà máy hiện đại… Nhưng từ tháng 3 trở lại đây, chưa nói về chất lượng sản phẩm, không hề thấy VinSmart có bất kỳ động thái tiếp thị nào đủ hấp dẫn để bán hàng. Sản xuất và kinh doanh smartphone không giống như bất động sản”.
Quan sát trên thị trường, sau khi gây sốc vào dịp ra mắt sản phẩm, có hiện tượng “Vsmart hụt hàng” vì cầu lớn hơn cung. Nhưng gần đây, do cách kinh doanh của VinSmart mà có hiện tượng “dội hàng” nên liệu “xuất ngoại” có phải tìm kiếm thị trường khu vực vừa tính chuyện tương lai, vừa bán hàng tồn và cả “làm đẹp trong mắt các nhà đầu tư và giá trị cổ phiếu” như một chuyên gia bình luận.
Trong tháng 7, nhiều nhà bán lẻ tiết lộ VinSmart sẽ tung ra 9 -10 dòng Vsmart mới để bán hàng lấy số. Nhưng dù có chiêu “độc” gì đi nữa, giỏi lắm Vsmart cũng kiếm thêm 3 – 5% thị phần! Nghĩa là cuối năm 2019, Vsmart có chừng 5 – 7%. Còn 30% vào giữa năm 2020 là bất khả thi! Trừ khi…
Trọng Hiền