Mấy ngày qua, câu chuyện của Asanzo đã thu hút mối quan tâm của người tiêu dùng với nhiều mặt hàng điện tử do các doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất tại thị trường Việt Nam. Có nhiều ý kiến nói rằng Asanzo gian lận thương mại và niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam. Nhưng nhiều chuyên gia về sản xuất và thị trường cho rằng, “tử huyệt” của Asanzo nằm bên ngoài chuyện sản xuất!
Chuyện quá cũ
Ông Đỗ Khoa Tân, phó tổng thư ký hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho biết, không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới có một công thức “làm hàng”: nghĩ ra thương hiệu và sản xuất bằng hai cách: hoặc là mua linh kiện về lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, hoặc là đặt hàng các hãng sản xuất theo dạng OEM (Original Equipment Manufacturer – nhà sản xuất thiết bị gốc) theo khuôn mẫu có sẵn.
Công thức trên đã được các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử của Việt Nam tùy biến với nhiều mức độ khác nhau. Ba bốn chục năm trước, những công ty điện tử lớn vào thời điểm này như Biên Hòa, Thủ Đức, Q.10, Tân Bình… đã nhập sản phẩm dưới dạng CKD (linh kiện rời), sau đó về nước lắp ráp lại bằng… tuốc-nơ-vít trên những băng tải. Hình thức sản xuất này cho đến nay vẫn còn nhiều công ty sản xuất trong nước áp dụng, điển hình là Asanzo đang bị cáo buộc là “hàng Trung Quốc núp bóng thương hiệu Việt” và hàng loạt hình thức gian lận thương mại! Theo tìm hiểu riêng, Asanzo nhập linh kiện từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, sau đó, trên những băng tải, những người thợ lắp ráp thành những sản phẩm hoàn chỉnh rồi tung ra thị trường. Vậy mà, Asanzo vẫn ra rả là “công nghệ Nhật Bản” mà không hề biết công nghệ này nằm ở đâu!
Dù chưa có nhiều nhưng gần đây có dăm ba nhà sản xuất trong nước đã đầu tư nhà máy sản xuất với quy mô hiện đại hơn: có dây chuyền sản xuất bảng mạch điều khiển (SMT), có robot tham gia vào quá trình lắp ráp, dây chuyền tự động…, điển hình là nhà máy sản xuất smartphone của VinSmart (Vingroup) tại cụm công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Mới đây, theo ông Đào Đặng Duy Huân, tổng giám đốc Biko Việt Nam, Biko vừa hoàn tất đầu tư nhà máy sản xuất tivi thương hiệu Sanco tại xã Tân Phú Trung (Củ Chi, TP.HCM) với hệ thống sản xuất SMT và khuôn mẫu. Ông Huân không nói rõ nhà máy rộng bao nhiêu và mức độ hiện đại đến đâu nhưng giá trị đầu tư là 2 triệu USD. Hình thức sản xuất này còn có những tên tuổi đang có hàng kinh doanh trên thị trường: Daiko và Kangaroo trong nhóm hàng điện gia dụng, UBC với mặt hàng tivi…
Song song với những mô hình trên, còn có mô hình làm hàng theo kiểu đặt hàng OEM với nhiều mức độ khác nhau. Có doanh nghiệp đặt hàng sản xuất với thiết kế riêng, trực tiếp tùy biến hệ điều hành/ điều khiển… Nghĩa là họ có đầu tư chất xám vào quá trình sản xuất và hoàn thiện sản phẩm. Có thể kể những tên tuổi đã và đang tạo được uy tín với người tiêu dùng, như: Mobiistar (điện thoại di động, nay đã ngưng hoạt động tại thị trường Việt Nam), Soncamedia (âm thanh)… Nhưng phần đông doanh nghiệp chọn mẫu có sẵn hoặc mua “hàng chợ”, sau đó kéo lụa thương hiệu, nhập về bán tại thị trường Việt Nam. Asanzo cũng là thương hiệu chọn thêm cách làm hàng này. Theo ông Phạm Văn Tam, chủ tịch hội đồng quản trị của Asanzo, “cách làm hàng kiểu này có hiệu quả kinh tế hơn so với cách mua linh kiện tự ráp của nhóm hàng điện gia dụng”.
Gọi sao cho đúng?
Một chuyên gia nghiên cứu thị trường (đề nghị không nêu tên) cho rằng, “hiện nay không có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất được linh kiện cho các nhóm hàng điện tử, điện gia dụng với giá hợp lý, việc nhập khẩu toàn bộ từ các hãng cung ứng của Trung Quốc là điều đã quá quen thuộc với thực trạng sản xuất hàng điện tử Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, là chuyện ai cũng biết, đã nói nhiều năm nay”. Ông Tân dẫn chứng hàng loạt tên tuổi “nức danh toàn cầu” trong ngành hàng điện tử như Toshiba, Panasonic, TCL… đâu có tự sản xuất linh kiện nào! Họ “làm hàng” và bán hàng với uy tín của chính họ dù trong mã sản phẩm vẫn ghi: “made in… hàng chục quốc gia, trong đó có cả China”!
Vậy gọi sao cho đúng với thực tế sản xuất tại thị trường Việt Nam? Ông Tân nói: “Với nhóm hàng tivi nói riêng, nếu các cụm linh kiện như màn hình, bo mạch, vỏ… được mua từ nhiều nhà cung cấp khác nhau (trong và ngoài nước), gọi là sản xuất. Còn mua cụm linh kiện do một nhà sản xuất dựa vào một mẫu tivi có sẵn của họ cung cấp gọi là lắp ráp. Đó là quá tách bạch để làm rõ phần đóng góp chất xám và quy trình, còn nói chung, lắp ráp cũng là hoạt động của khái niệm sản xuất nên cứ gọi sản xuất chẳng có gì sai”. “Trong trường hợp của Asanzo, đối với sản phẩm tivi cứ mạnh dạn nói là “sản xuất tại Việt Nam” vì họ có kết hợp các yếu tố đầu vào như: lao động, vốn, nhà xưởng, linh kiện để tạo ra hàng hóa là chiếc tivi”.
Dù có quan điểm “cần có đóng góp chất xám Việt vào sản phẩm, từ khâu thiết kế cho đến hệ điều hành, điều khiển, sản xuất nhưng ông Lê Văn Chính, cố vấn kỹ thuật của Soncamedia cho rằng, việc doanh nghiệp mua linh kiện về lắp ráp cũng được gọi là sản xuất vì ít nhất họ có đầu tư nhà xưởng, lao động…
Nhưng việc Asanzo ghi “xuất xứ Việt Nam” trên vỏ thùng sản phẩm không được các chuyên gia đồng tình, hay nói cách khác là Asanzo đã đánh lừa người tiêu dùng xoay quanh khái niệm “hàng Việt” và những ưu đãi theo những quy định chung của nhà nước! Ông Tân nói tiếp: “Dùng từ xuất xứ (Country of Origin C/O) phải hết sức cẩn trọng. Mỗi quốc gia, tổ chức quốc tế đều có quy định chặt chẽ về cấp và công nhận chứng nhận C/O. Tại Việt Nam, chỉ có VCCI và một số ban quản lý khu công nghiệp được ủy quyền mới có thẩm quyền cấp C/O cho những mặt hàng”. Còn ông Chính viện dẫn thông tư 05/2018/TT-BCT của bộ Công Thương về khái niệm “xuất xứ” nghĩa là: “Hàng hóa được xác định xuất xứ theo quy định tại thông tư này có xuất xứ tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó”.
6 tháng đầu năm 2019, theo GfK Việt Nam, số lượng tiêu thụ của mặt hàng tivi ước chừng 2 triệu chiếc. Nghĩa là sức tiêu thụ của mặt hàng này “đi ngang” so với cùng kỳ 2017 và 2018 nhưng có thêm nhiều nhãn hiệu mới: Skyworth, Mobell và mới nhất là Sanco!
Trọng Hiền