Hôm 16.6.2019, tình cờ gặp L., nhân viên cũ của Mobiistar (MBS). Hỏi chuyện, mới biết L. đã thất nghiệp vì những tay giỏi nhất của MBS Việt Nam giờ đã kéo qua Ấn Độ. L., nói nhỏ: “Nghe đồn MBS ở Ấn Độ “die” rồi”. Giật mình nhưng nghĩ, đó chỉ là tin đồn. Rồi quên tin đồn đó. 22h ngày 3.7.2019, tình cờ đọc được thông tin từ báo chí Ấn Độ nói về Mobiistar India đã “triệt thoái” vùng đất tỷ dân này. Tổng giám đốc MBS India Ngô Nguyên Kha có trả lời vài tờ báo về thông tin trên. Dù chưa thuyết phục nhưng chấp nhận thông tin trên là đúng. Buồn cho giấc mơ ra biển lớn, sánh vai cùng với các cường quốc… đã tan theo bọt nước! Có nhắn trên facebook nhưng không thấy phản hồi. Có gọi vào thuê bao quen thuộc vài chục năm nay, thì… “thuê bao quý khách vừa gọi…”!
Vào lúc này chưa thể viết gì được, đành lòng mượn lại bài viết “Đường xa quên cả lối về” đã đăng hôm 30.4.2019 để nhắc lại một câu chuyện “chẳng hay ho” gì của một doanh nghiệp từng một thời là “tấm gương về công nghệ cao xứ Việt”.Với doanh nghiệp Việt, đi ra “năm châu bốn bể” là vinh hạnh! Họ hiểu được những giá trị “được và mất” sau những chuyến đi. Có doanh nghiệp, “đi” là tìm cơ hội để khôn lớn. Nhưng có người là tìm “con đường sáng”, chưa hẹn ngày quay về… Với chuyện đi của Mobiistar, đành lòng mượn câu thơ của Thâm Tâm trong Tống biệt hành: “Người đi, ừ nhỉ, người đi thật…”.
Kiếm ăn ở xứ người
Ngày 11.2.2019, trên website www.teleanalysis.com của Ấn Độ có bài viết ca ngợi Mobiistar: “Carl Ngo (Ngô Nguyên Kha, giám đốc điều hành Mobiistar India) đã mua đúng vé và lên tàu đúng thời điểm. Chỉ trong vòng 9 tháng, Mobiistar đã đưa ra thị trường dãy sản phẩm smartphone rất năng động, đầu tư tiền vào đúng những nơi cần và định vị sản phẩm vào ngay phân khúc giá rẻ vốn có sản lượng cao nhất, tuyển nhân sự giỏi và đúng yêu cầu và xây được hệ thống phân phối rất cứng”.

Ấn Độ là thị trường lớn thứ 2 thế giới, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việc Mobiistar chọn thị trường này để tìm cơ hội kinh doanh mà bản chất là kiếm lợi nhuận, đến thời điểm này, “là một quyết định đúng” như lời ông Kha đã từng chia sẻ với giới truyền thông Việt Nam. Bài viết cho rằng, Mobiistar thâm nhập thị trường Ấn Độ đúng thời điểm khi tại quốc gia này hiện chỉ còn “15 thương hiệu cung cấp sản phẩm hợp pháp và có chất lượng, so với 100 thương hiệu trước đây”. Tại Ấn Độ, các tên tuổi: Xiaomi, Samsung, Nokia, Oppo, Vivo và One Plus chiếm khoảng 63%, phần còn lại là những tên tuổi khác: Asus, Huawei, Motorola, Lenovo, Realme… Theo lời ông Kha, Mobiistar India chỉ nhắm vào phân khúc giá rẻ, từ 10.000Rs (3,3 triệu đồng Việt Nam) trở xuống vì “đây là phân khúc lớn nhất thị trường nhưng còn bị bỏ quên”. Bài viết này còn dẫn lời của Carl Ngo tuyên bố: “Mobiistar sẽ nằm trong top 5 smartphone phân khúc phổ thông vào cuối năm 2019”.
Đi là đi biệt…
Tính đến nay, Mobiistar đã “10 năm tuổi” trong làng điện thoại di động tại thị trường Việt Nam, từng là đối trọng của nhiều thương hiệu lớn như Samsung, Oppo… 7 năm trước, Mobiistar đã tung ra khẩu hiệu: “Bình dân hóa smartphone”, “Smartphone quốc dân” bằng những sản phẩm tầm giá 2 – 3 triệu đồng; thiết kế đẹp hơn, biết chọn cấu hình; biết tiếp thị khi mua bài hát “Đường đến ngày vinh quang” của cố nhạc sĩ Trần Lập làm nhạc chuông, mời nhạc sĩ Huy Tuấn xuất hiện tại nhiều lần giới thiệu sản phẩm mới “như là đại sứ thương hiệu”, rồi bày ra những đêm nhạc rock với Phạm Anh Khoa – PAK Band… Năm 2016, tính đến hết quý 3, theo số liệu của GfK Việt Nam, Mobiistar đã đứng thứ 4 về số lượng smartphone bán ra với giá trị ước chừng 1.350 tỷ đồng. Giới truyền thông trong nước đã đánh giá cao Mobiistar, như là điển hình của thương hiệu Việt trong nhóm hàng công nghệ cao.

Nhưng từ tháng 10.2018 cho tới nay, Mobiistar dường như “vắng bóng” tại Việt Nam. Họ chỉ còn bán hàng tồn, không tung hàng mới, nhân sự tầm quản lý tiếp thị và truyền thông, giám đốc kinh doanh… lần lượt tìm bến mới. Trước đó, vào cuối tháng 8.2018, tại diễn đàn công nghệ thường niên của Mobiistar, ông Ngô Nguyên Kha, lúc đó là giám đốc điều hành Mobiistar Việt Nam, lần đầu tiên xác nhận đã đầu tư tại thị trường Ấn Độ, trong kế hoạch tương lai sẽ là thị trường Trung Đông, châu Phi… Nhưng ông Kha khẳng định: “Đi là để… trở về” với nhiều cơ hội mới trong kinh doanh vốn đang khốn khó.

Cuối năm 2018, nhiều nhà bán lẻ báo hiệu “Mobiistar sẽ chết trong nay mai” vì không thấy hàng mới, không còn tiếp thị bán hàng… Nhưng đại diện truyền thông vẫn nói cứng: “Vẫn ra hàng đều ở các kênh lớn, cửa hàng nhỏ”. Cách đây vài hôm, khi hỏi về thân phận của Mobiistar tại Việt Nam, vị đại diện truyền thông này nói trớt quớt: “Mobiistar ở Ấn Độ đang tốt”! Nhiều nhà bán lẻ chỉ biết lắc đầu khi hỏi về hàng Mobiistar tại kênh của họ. Dù gì cũng chút tình thương với một ông chủ “ngồi xe đò lặn lội mở kênh ở các tỉnh miền xa”, cũng từng làm các thương hiệu quốc tế e ngại…
Chưa tuyên bố chính thức nhưng chắc chắn trong lòng những ông chủ của thương hiệu này giờ đã “giơ cờ trắng”. Nhiều người hỏi: sao Mobiistar không bán lại thương hiệu này mà để nó “chết mòn” nhưng ông Kha chọn cách trả lời khôn ngoan là: im lặng!
Tiếc 10 năm trời…
Thịnh An