Chợ phim OTT – Chập chờn theo sóng…

Thứ năm – 18/07/2019 20:00 

Ngày 10.7.2019, tại TP.HCM, nhà phân phối Q.net và FPT Play đã chính thức thông báo sản phẩm HBO GO chính thức xuất hiện trên ứng dụng FPT Play của FPT Telecom.
Hiện thị trường Việt Nam có hàng chục ứng dụng coi phim (gọi tắt là phim OTT – over the top) trong nước và thế giới đang kinh doanh. Cùng với kho phim của Netflix (Hoa Kỳ), với HBO GO, người tiêu dùng Việt ghiền coi phim nước ngoài giờ có thêm một kênh phim cũng của Hoa Kỳ vốn đã quen thuộc trên các dịch vụ truyền hình trả tiền như K+, SCTV, HTVC… từ nhiều năm nay.

HBO GO chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Trọng Hiền

HBO GO – Đối thủ mới
Ông Jonathan Spink, tổng giám đốc điều hành HBO Asia cho biết, “FPT Play là hạ tầng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến HBO GO. Tại châu Á, HBO GO đã có mặt tại Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore”.

Những nội dung của HBO GO có trên FPT Play

Với HBO GO, các thuê bao được coi “không giới hạn” thư viện phim của HBO có hàng ngàn giờ phim trên nhiều thiết bị khác nhau: tivi (qua kết nối với FPT Playbox), smartphone, máy tính xách tay, máy tính bảng… Bà Nguyên Hạnh, chủ tịch Q.net cho biết thêm, thư viện HBO GO bao gồm những bộ phim cho chính HBO sản xuất, phim Hollywood, phim của các hãng truyền hình, điện ảnh trên thế giới và ba kênh truyền hình trực tiếp: HBO, Max by HBO và Red by HBO. Cũng theo lời bà Nguyên Hạnh, trước khi cung cấp cho FPT Play nói riêng hoặc những dịch vụ turyền hình trả tiền khác, Q.net sẽ làm công việc biên tập nội dung kèm theo phụ đề hoặc thuyết minh bằng tiếng Việt theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Để HBO GO có mặt tại Việt Nam, Q.net bắt đầu đàm phán và chuẩn bị nhân sự từ năm 2016, bà Nguyên Hạnh cho biết.

Khi được hỏi về niềm tin của FPT khi chọn HBO GO phân phối tại thị trường Việt Nam, ông Vũ Anh Tú, phó tổng giám đốc FPT Telecom nói: “HBO là một thương hiệu lớn, quen thuộc với hàng triệu khách hàng Việt Nam qua những bộ phim của Hollywood, Columbia Tristar, DreamWorks, Paramount Pictures, Universal Studios, Warner Bros., Lionsgate… hoặc do chính HBO sản xuất, chưa kể hàng ngàn bộ phim nổi tiếng của nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc, Nhật Bản… Chúng tôi tin với độ hấp dẫn của phim HBO, kiểm soát chất lượng và nội dung của Q.net cùng với hạ tầng kỹ thuật của FPT (internet, ứng dụng FPT Play…), khách hàng sẽ lựa chọn HBO GO”. Theo thông tin từ FPT Telecom, hiện giá cước của HBO GO là 79.000 đồng/ tháng. Riêng lần đầu tiên đăng ký từ 1 – 30.7.2019, mức cước là 50.000 đồng.

Chợ phim OTT
Netflix có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 2016 thông qua hình thức kích hoạt tài khoản trên ứng dụng. Là dịch vụ coi phim trực tuyến lớn của Hoa Kỳ (gần 150 triệu thành viên tại hơn 190 quốc gia) với hàng ngàn phim lẻ và các phim bộ có bản quyền, hình ảnh mượt mà, chạy trên nhiều thiết bị…, nhưng Netflix chỉ phù hợp với giới trẻ “giỏi tiếng Anh” và có tài khoản quốc tế. Mặt khác, với giá thuê bao từ 180.000 đồng (1 tài khoản) – 280.000 đồng (4 tài khoản)/ tháng, khó mà Netflix được người tiêu dùng Việt chấp nhận vốn quen dùng giá rẻ hoặc miễn phí trên YouTube! Chính vì giá cao mà hiện nay có hình thức chia sẻ giá cước từ gói premium (280.000 đồng/ tháng) cho những khách hàng có nhu cầu với giá từ 60 – 80.000 đồng/ tháng. Ngoài ra, lợi dụng chính sách miễn phí 1 tháng, nhiều thuê bao đã tải ứng dụng, sau đó bán lại với giá 40 – 50.000 đồng/ tài khoản/ tháng.

iFlix miễn phí 1 tháng đầu tiên cho những tài khoản kích hoạt lần đầu

Fim+ là dịch vụ xem phim theo yêu cầu (Video on demand – VOD) của công ty Thiên Ngân (Việt Nam) xuất hiện trên thị trường vào cuối năm 2015. Đại diện Thiên Ngân cho biết, với hơn 5.000 bộ phim có bản quyền, trong đó phim Việt là những phim chiếu rạp có doanh thu cao, phim Hollywood, phim châu Á và phim bộ chọn lọc từ các hãng trên thế giới. Nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Thiên Ngân không tiết lộ thuê bao, chỉ biết, dịch vụ này xuất hiện trên nhiều dịch vụ giải trí, viễn thông tại thị trường Việt Nam như truyền hình FPT, MyTV, MobiFone…

Cuối tháng 2.2017, dịch vụ phim iFlix chính thức ra mắt tại Việt Nam với tư cách là iFlix Vietnam có trụ sở tại Hà Nội. Dù mới thành lập năm 2015 nhưng iFlix ôm mộng sẽ có 1 tỷ khách hàng vào năm 2020! Hiện, iFlix đã có mặt tại nhiều quốc gia: Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei, Myanmar, Việt Nam, một số quốc gia châu Phi… iFlix cho phép người dùng sử dụng miễn phí một tháng đầu tiên sau khi đăng nhập, sau đó phí là 59.000 đồng/ tháng với kho phim Hollywood, phim Việt… Không biết ứng dụng này có bao nhiêu phim nhưng trước mắt, dịch vụ này chạy khá ngọt. Ngoài những thiết bị di động tải ứng dụng, nếu muốn coi iFlix trên tivi, phải là dòng smartTV vì iFlix không bán thiết bị phần cứng như FPT Play hay K+TV box…
Danet cũng là ứng dụng OTT, thuộc quyền của Hãng Phim Việt với các thể loại phim VOD: điện ảnh, truyền hình, các show thực tế… trên nhiều thiết bị khác nhau. Hiện Danet có 3 gói: Danet Go (miễn phí), Danet Buffet (50.000 đồng/ tháng) và Danet Cineplex (trả tiền theo từng phim, dao động từ 12 – 25.000 đồng/ phim). Ít thấy khách hàng sử dụng Danet, chủ yếu xuất hiện trên các dịch vụ truyền hình trả tiền: MyTV, FPT, Viettel, VTVCab…

Lò đốt tiền vĩ đại
Giới kinh doanh phim OTT chia sẻ, “dịch vụ phim OTT là lò đốt tiền không thua kém gì sản xuất smartphone”! Ít, vài chục tỷ đồng. Nhiều, cũng ngót nghét năm bảy chục tỷ đồng. Nguồn tiền đầu tư vào dịch vụ phim OTT chủ yếu là mua bản quyền, kế mới là hoạt động tiếp thị. Không đề cập đến doanh nghiệp nào nhưng theo bà Trần Thu Trang, giám đốc FPT Play thừa nhận: “Nhiều nhà đầu tư từ bỏ giấc mơ này vì không đủ tiền để mua bản quyền kho phim đủ lớn. Cuộc chơi này không chỉ nhiều tiền mà còn phải thật sự có niềm tin lâu dài”.

Bà Trang không tiết lộ về số thuê bao hiện nay của FPT Play nhưng theo tìm hiểu riêng của Thế giới Tiếp thị, hiện dịch vụ FPT Play có khoảng 15 triệu khách hàng sử dụng, trong đó lượng khách hàng sử dụng có phí, bao gồm khách mua hộp giải mã tín hiệu và tải ứng dụng ước chừng 700.000 thuê bao sau gần 4 năm hoạt động. Nguồn tin không tiết lộ lỗ hay lời, chỉ nói rằng, với lượng thuê bao trên, ứng dụng FPT Play vừa bán được phần cứng (tivi box), vừa bán được quảng cáo vì ngoài phim, FPT Play còn có bản quyền của những giải thể thao thu hút khách Việt như ngoại hạng Anh, Series A, World Cup…

K+ từ chối cung cấp về số thuê bao nói chung, của K+ tivi box nói riêng (chính thức xuất hiện từ giữa tháng 9.2018). Đầu năm 2019, khi Chính phủ yêu cầu tính lại hợp tác giữa VTV và Canal+, số thuê bao của K+ tính đến hết năm 2017 là khoảng 800.000 thuê bao với số lỗ hơn 2.700 tỷ đồng sau 8 năm hoạt động. Hiện nay, thế mạnh của K+ tivi box (giá thuê bao là 125.000 đồng/ tháng) là 4 kênh thuộc nhóm K+ với các giải thể thao như ngoại hạng Anh, Champions League…; kho phim với hàng ngàn bộ phim Hàn, Nhật, Ấn, Âu – Mỹ…

Những dịch vụ còn lại chưa biết thân phận thế nào nhưng ít người coi lắm. Còn chuyện lời hay lỗ, chắ ai cũng đoán được!

Bài và ảnh: Trọng Hiền

Có thể bạn quan tâm: