Từ ngày 21/6/2019 đến nay, Asanzo thu hút mối quan tâm của cộng đồng khi sáng cùng ngày, báo Tuổi trẻ bắt đầu tung loạt bài điều tra về Asanzo. Vài ngày sau, nhiều nhà bán lẻ đã hạ hàng Asanzo khỏi quầy. Các cơ quan chức năng lên tiếng. Cộng đồng tẩy chay. Có vài ý kiến bảo vệ yếu ớt. Nhất cử nhất động của Asanzo được báo chí phản ảnh.
Từ một thương hiệu đình đám trong nhóm hàng điện tử nói chung, nay Asanzo đang đứng trước hố sâu “sập tiệm”. Chỉ cần một cơn gió thoảng qua…
Asanzo, theo lời giải thích của ông Tam là phép cộng âm của hai từ: “A San” là “anh Tam” (theo cách gọi của người Hoa ở Phòng Thành, Trung Quốc), còn “zo”, theo cách đọc của người dân Sài Gòn là “zô”, “vào”. Asanzo nghĩa là “Anh Tam vào”, như lời ông Tam giải thích nhưng có âm na ná giống tên của một thương hiệu Nhật quá quen thuộc của người dân miền Nam – Sanyo. Cần nói thêm, năm 2012, ông Tam đã thành lập một công ty có tên là Fujico chuyên về hàng điện gia dụng. Nghe cũng từa tựa… Fuji chuyên về sản xuất máy ảnh.
Thực…
Ngày 7/3/2014, cái tên Asanzo do ông Phạm Văn Tam (sinh năm 1980 ở Quảng Ninh) đứng tên giám đốc, chính thức xuất hiện trên thị trường tivi. Từ năm 2001, ông Tam đã tham gia bán tivi cũ ở chợ Nhật Tảo từ nguồn tự kiếm ở Phòng Thành. Lần hồi, với 6 năm làm con buôn, Tam có nhiều kinh nghiệm thương trường, bạn bè và có khoản tiền lớn. Khi tivi nội địa hết hàng, các đầu mối của Tam ở chợ Nhật Tảo xoay sang lắp ráp tivi. Nhờ có mối quan hệ bên Trung Quốc, Tam chuyển sang nhập linh kiện, có lúc nhập tới 5 container linh kiện. Không chỉ “đánh” vào các cửa hàng lẻ, Tam cho biết, còn cung cấp linh kiện cho nhiều doanh nghiệp sản xuất tivi nổi danh một thời như: Đông Á với thương hiệu SAM, Viettronics Tân Bình với tên VTB…
Tam thừa nhận: “Tôi không được học hành gì. Vừa có nhu cầu kiếm tiền để nuôi bản thân và gia đình, lại học dở, nên cố lắm mới hết lớp 12. Tôi tự góp nhặt kinh nghiệm từ những ngày tháng bươn chải ở chợ Nhật Tảo mà vào đời làm ăn. Nếu có học hành bài bản, chắc sẽ đỡ vất vả hơn”.
Năm 2016, Asanzo bán được 500.000 chiếc tivi, chủ yếu là dòng 32inch và 40inch, tại các tỉnh vùng sâu vùng xa. Năm 2017, ông Tam tuyên bố Asanzo bán được 710.000 chiếc, chiếm 16% thị phần, chỉ thua LG 1%! Năm 2018, chính ông Tam tuyên bố bán gần 900.000 chiếc tivi, chiếm chừng 23%. Một chuyên gia nghiên cứu thị trường nói, “con số mà Tam nói có nổ một chút nhưng thương hiệu này đang bán được hàng vì giá rẻ”.
Vì bán được hàng mà một số kênh bán lẻ hàng điện máy lớn như: Điện máy Xanh, Nguyễn Kim, Chợ Lớn… có bán tivi Asanzo. Đầu năm 2017, khi ông Tam công bố dự án xây dựng nhà máy mới tại Củ Chi (TP.HCM) với diện tích 17.000m2 để sản xuất tivi, tủ lạnh, tủ đông…, Vietinbank cam kết cho vay 500 tỷ đồng. Hôm ấy, ông Võ Đức Hùng, phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nam Sài Gòn nói với Thế giới Tiếp thị: “Chúng tôi biết khá rõ về anh Tam và Asanzo. Hiện doanh nghiệp này có nhiều mục tiêu phát triển nghiêm túc, làm ăn tử tế nên Vietinbank yên tâm đầu tư, không chỉ 500 tỷ mà nếu cần, có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng”.
“Hiện tại, tivi vẫn là sản phẩm chủ lực, đóng góp 90% doanh thu của Asanzo. Những ngành hàng còn lại như điện gia dụng, điện lạnh và mới nhất là smartphone chỉ chiếm khoảng 10%. Trong vòng 5 năm nữa, Asanzo đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng/ năm, trong đó ngành hàng công nghệ phải đóng góp từ 30% trở lên”, ông Tam chia sẻ tại sự kiện gặp mặt hệ thống bán lẻ vào đầu năm 2019.
Có lần Tam mời lên nhà máy ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc chơi. Nói thiệt là thất vọng khi gọi là “nhà máy” mà chỉ là những băng tải với công nhân cầm tuốc-nơ-vít cùng vài thiết bị như đo nguồn dòng điện… Ban đầu “nhà máy” này chuyên sản xuất tivi, từ năm 2016 lắp ráp thêm mấy mặt hàng như máy lạnh… Có hỏi Tam về chuyện cài đặt phần mềm điều khiển cho tivi, ông cho biết, sau khi lắp ráp sẽ có công đoạn này và kiểm tra lần cuối trước khi xuất xưởng. Có thể nhân viên làm đêm. Có thể những chiếc tivi đó được sản xuất đâu đó, phần mềm đã được cài đặt sẵn, chỉ cần đóng thùng… Nghe nói, hồi tháng 10.2018, Asanzo hoạt động nhà máy mới ở Long An.
Hồi năm 2015, lần đầu Asanzo ra mắt những chiếc tivi 32inch và 40inch, ông Tam cứ nói đi nói lại cụm từ “công nghệ Nhật Bản”. Tôi hỏi công nghệ Nhật Bản ở chỗ nào trong chiếc tivi, ông Tam ậm ờ một hồi rồi trả lời: “công nghệ Nhật Bản trong cái màn hình”! Tam nói thêm, màn hình tivi Asanzo nhập từ Sony, Panasonic… Tôi cười, “mấy hãng đó đâu có sản xuất panel (màn hình), cũng lấy từ các nhà cung cấp khác. Mà, màn hình cỡ đó sao có giá rẻ vậy?”. Tam cười trừ: “Bác hỏi khó quá”.
Tháng 8/2017 Asanzo chính thức tham gia thị trường smartphone với hai sản phẩm S5 và Z5 với mức giá từ 3 – 5 triệu đồng. Sau đó, năm nào Asanzo cũng ra vài mẫu mới.
Ảo
Từ đầu năm 2018, Asanzo có cái tên dài hơn: công ty cổ phần tập đoàn Asanzo, như nhiều công ty đã đặt. Với cách đặt này, ai làm biếng đọc, cứ gọi “tập đoàn Asanzo” chẳng sao. Cũng từ ngày đó, ông Tam xuất hiện trước giới truyền thông và nhóm đại lý với danh xưng: chủ tịch tập đoàn! Nghe quá oai, sánh ngang với nhiều chủ tịch khác.
Tháng 7.2017, lần đầu tiên ông Tam ngồi ghế giám khảo khởi nghiệp thời 4.0 cùng một gương mặt quen thuộc trong làng công nghệ Việt, đó là ông Trương Gia Bình. Ngồi để học thêm kinh nghiệm là điều nên làm. Nhưng ngồi để làm hình ảnh của một vị chủ tịch tập đoàn long lanh hơn… e rằng sai cờ. Tôi và một đồng nghiệp nhắc vị chủ tịch “chưa phải lúc xuất hiện với công chúng trong vị trí này”. Tam giận!
Gần đây nhất là thông tin ông Tam chính thức tham gia vào chương trình Shark Tank Việt Nam lần thứ 3 (2019) với vai trò là nhà đầu tư. Tại sự kiện này, Asanzo công bố quỹ đầu tư khởi nghiệp (Asanzo Startup Fund) với số vốn khởi đầu là 200 tỷ đồng. Nhưng niềm kiêu hãnh chưa dài bao nhiêu, tối ngày 24/6/2019, fanpage của chương trình Shark Tank Việt Nam chính thức thông tin về việc ông Tam không còn ngồi trong hội đồng đầu tư mùa 3.
Ông Tam thừa nhận: ““Tôi có một tật xấu là không tin vào một riêng ai cả! Vì vậy mà mấy năm qua tôi cực quá. Chuyện gì cũng phải qua tay mình, từ chuyện đặt hàng cho đến bán hàng, giao du với các đại lý bán lẻ…
Với ngành hàng smartphone, rõ mười mươi là Asanzo đặt hàng sản xuất theo dạng OEM, vậy mà với các đại lý, ông Tam hồn nhiên nói: “…Sự đầu tư nghiêm túc dài hạn ở sân chơi smartphone vốn gian nan và tốn kém; nhập các linh kiện từ các thương hiệu Samsung, LG, Toshiba, Philips để có thể bắt kịp xu hướng và cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng. Mong muốn của tôi là mang công nghệ tiên tiến của thế giới để từ đó từng bước thể hiện năng lực sản xuất điện tử – công nghệ của người Việt”. Phiêu hơn nữa, Asanzo còn nhắm đến các nhóm hàng số khác: laptop, máy tính bảng…
Chỉ ghi lại những gì ông Tam đã nói, ông Tam đang làm… mà tôi nhìn thấy và nghe được. Còn những thông tin, như: ông Tam có các đại gia Trung Quốc hậu thuẫn, ăn chia không đều – “bên trọng bên khinh” với các cơ quan hữu trách, nhập nhiều khai ít… nghe cho vui để còn nói dóc vì không có đủ bằng cớ.
Minh Phúc