Cách sản xuất của Asanzo không có gì sai!

Chủ nhật – 03/11/2019 09:25 

Ông Đỗ Khoa Tân, cựu tổng giám đốc công ty điện tử Biên Hòa (Belco) nhận xét như vậy sau khi nghe những nhận xét có tính chất cáo buộc “hành vi lừa dối người tiêu dùng của Asanzo” tại cuộc họp sáng ngày 28/10/2019 do Tổng cục Hải quan tổ chức, có các bộ ngành liên quan “vụ án Asanzo”, như: Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… tham dự.

Ông Tân nói tiếp: “Ở đây tôi chỉ nói về quy trình sản xuất của Asanzo như những gì mà tôi biết – nhìn – đọc thông tin của các cơ quan chức năng và giới truyền thông. Còn những chuyện khác, vì tôi không rõ nên sẽ không bàn ở đây”.

Tại cuộc họp trên, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, “nhà máy sản xuất” của Asanzo chỉ có 12 dãy bàn, công nhân lắp ráp bằng tuốc-nơ-vít. Theo ông Thành, chiếc bàn đó vừa lắp tivi, vừa lắp máy lạnh (hay còn gọi là máy điều hòa không khí): lắp một chiếc tivi cần 12 người trong 20 phút; còn lắp máy lạnh theo quy trình: lắp dàn lạnh và dàn nóng, lắp khung, lắp bo mạch với thời gian 30 phút; các sản phẩm khác như ấm siêu tốc cũng có quy trình lắp ráp tương tự. Với cách làm như vậy, theo ông Thành, giá trị “chất xám nội địa” của các sản phẩm, từ hàng điện gia dụng, máy lạnh cho đến tivi… mang tên Asanzo chỉ chiếm 1 – 2%.
Ông Thành còn cho rằng, nếu chiếu theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, công đoạn hình thành sản phẩm của Asanzo chỉ lắp ráp thủ công, giá trị gia tăng không cao, tỷ lệ nguyên vật liệu chính chiếm 98-99% giá trị, như vậy tivi xuất khẩu mà lắp ráp đơn giản nên không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam, “có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng xuất khẩu”.

Hơn 40 năm gắn bó với công nghiệp điện tử Việt Nam, cựu tổng giám đốc Belco Đỗ Khoa Tân nói: “Cách sản xuất của Asanzo như vậy là chấp nhận được! Nhiều doanh nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay cũng làm như vậy. Tùy theo hiệu quả mà mỗi doanh nghiệp tính toán quy mô và quy trình sản xuất. Quan trọng nhất là chất lượng và dịch vụ hậu mãi của chính thương hiệu đó với người tiêu dùng và thị trường”. Ông Tân nói tiếp: “Vì Việt Nam hiện nay chưa công bố bộ quy chuẩn về nguồn gốc xuất xứ hàng điện tử nên các doanh nghiệp, dù sản xuất bằng cách nào, tuốc-nơ-vít kiểu Asanzo hay bằng những nhà máy hiện đại của Samsung, VinSmart… đều có giá trị ngang nhau về mặt xuất xứ”.

Asanzo sản xuất bằng tuốc-nơ-vít. Ảnh: M.P

Ông Tân thừa nhận, nếu sản xuất bằng máy móc hiện đại sản lượng sẽ cao hơn, có nhiều quy trình kiểm thử chất lượng sản phẩm sẽ ổn định hơn. Còn lắp bằng tay như Asanzo sẽ có nhiều rủi ro hơn. Vị cựu tổng giám đốc Belco giải thích thêm: trong đồ thị “Nụ cười” (Smile Curve của chủ tịch hãng Acer Stan Shih đề xuất năm 1992) mà đội ngũ tiếp thị đang “gối đầu giường”, phần sản xuất có giá trị thấp nhất trong hành trình của sản phẩm. “Giá trị cao nhất của sản phẩm chính là nghiên cứu thị trường và dịch vụ hậu mãi. Nếu doanh nghiệp làm tốt hai yếu tố này sẽ thắng, ngược lại là thua”, ông Tân nói.

Nói về câu chuyện 661 chiếc tivi (nghe nói một nhà buôn xuất lô hàng này qua Nhật Bản), ông Tân chia sẻ: “Cho dù 98% giá trị sản phẩm từ nguyên liệu nhập khẩu, nhưng nếu doanh nghiệp đó hoàn thiện sản phẩm tại Việt Nam vẫn được quyền ghi là “sản xuất tại Việt Nam”. Mỗi quốc gia sẽ có những quy định riêng về nguồn gốc xuất xứ. Hiện tại, Việt Nam chưa có quy định này nên doanh nghiệp được phép ghi những gì mà Nhà nước không cấm. Còn việc nhà sản xuất có xin được C/O (Certificate of original, chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa) hay không là do các cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp sai sẽ chịu trách nhiệm”.
Trong phiên họp sáng ngày 28/10/2019, bà Trần Thị Thu Hương, giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại VCCI xác nhận: “Đến thời điểm này, VCCI chưa tiếp nhận hồ sơ khai báo thương nhân Asanzo vì theo quy định, doanh nghiệp phải khai báo hồ sơ thương nhân sau đó mới hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị cấp C/O. Đến nay Asanzo chưa từng đến VCCI làm thủ tục cấp C/O cho bất cứ lô hàng nào của họ”. Được biết, hiện VCCI và các khu công nghiệp được quyền cấp C/O.
Với lời xác nhận của bà Hương, khó mà nói Asanzo “có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng xuất khẩu” với lô hàng 661 chiếc tivi như lời cáo buộc của lãnh đạo Tổng cục Hải quan.

Minh Tú (Theo Thế giới Tiếp thị số 44, ngày 30/10/2019)

Có thể bạn quan tâm: