Thứ bảy – 02/05/2020 07:01
Đêm. Từ trên cầu Thủ Thiêm nhìn về bên phải, quận 1 (người dân quen gọi là Sài Gòn) hiện ra, lung linh sắc màu. Còn nhìn về bên trái, là quận 2, xa hơn là quận 9, Thủ Đức. Những khối nhà sừng sững đen ngòm, vài ô cửa sáng đèn lạc lõng. Chỉ cách một dòng sông…
Tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2018 (HEF 2018) diễn ra vào cuối tháng 11 cùng năm, UBND TP.HCM đã chọn chủ đề chính là “Xây dựng thành phố phía đông – Đô thị sáng tạo” dựa trên hạ tầng của Q.2, Q.9 và Thủ Đức (với diện tích hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,1 triệu người). Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP.HCM cho biết, thành phố phía đông sẽ có 3 chức năng chính: nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, đào tạo nhân lực có trình độ và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghệ cao.
Trong hai năm 2017 – 2018, TP.HCM đã cử nhiều nhóm chuyên gia đến các quốc gia có những mô hình “thành phố công nghệ”… để tìm hiểu cách tổ chức và vận hành. Ước mơ xây dựng thành phố phía đông trở thành đô thị sáng tạo là có thật nhưng bao giờ thành… chỉ còn biết hỏi ông trời!
TS. Lê Hoài Quốc, cựu trưởng ban ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) là một trong những chuyên gia có nhiều chuyến thăm và làm việc với những mô hình “đô thị sáng tạo” như viện nghiên cứu Kitech (Bucheon, Hàn Quốc) hay “thành phố công nghệ” Daejeon (Hàn Quốc), “thành phố khoa học” Tsukuba (thuộc tỉnh Ibaraki, vùng Kanto, Nhật Bản)… TS. Quốc nói: “Việc chọn những địa chỉ trên phù hợp với điều kiện của TP.HCM. Còn muốn đến những thành phố khoa học hay công nghệ nổi tiếng có thể kể tên: Austin (Texas, Hoa Kỳ) với sự có mặt của ĐH Texas, Dell, IBM, Amazon, Facebook…; Bangalore (Ấn Độ) có những tập đoàn công nghệ: Wipro, Infosys, Google, Flipkart, InMobi…”.
Theo TS. Quốc, cách đây vài chục năm, nhiều quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đầu tư tiền và nguồn nhân lực để xây dựng mô hình thành phố công nghệ, đô thị sáng tạo. Tsukuba, Daejeon… là những thành phố như vậy có nhiều trung tâm nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu về khoa học kỹ thuật, với những chính sách riêng để thu hút nhân tài, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ…
“Tại Hàn Quốc, Chính phủ chi hàng chục tỷ USD cho các đô thị công nghệ. Đầu tư khoa học công nghệ không thể ngày một ngày hai sẽ thu lại vốn mà cần có thời gian. Điều quan trọng là cơ chế sử dụng nguồn vốn đó như thế nào”, TS. Quốc nói. Kitech, dù chỉ là một viện nghiên cứu nhưng hằng năm, Chính phủ Hàn Quốc dành 100 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu để mỗi năm chỉ thu về chừng vài triệu USD. “Ban đầu Chính phủ chịu lỗ nhưng đó là cách tính khôn ngoan. Họ sẽ thu thuế về sau khi sản phẩm xuất hiện đại trà trên thị trường. Nhưng giá trị lớn nhất chính là sở hữu nguồn nhân lực công nghệ cao và những phát minh”, ông Quốc bình luận. Hiện Hàn Quốc có hai cơ chế đầu tư: hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học cho cộng đồng doanh nghiệp và tạo ra những trung tâm sản xuất hiện đại để các doanh nghiệp khởi nghiệp dùng chung với mức phí tượng trưng”.
Còn khi đến thành phố Tsukuba, theo lời ông Quốc, doanh nghiệp đầu tư vào đây được ưu đãi về thuế; chi phí sử dụng thiết bị, chi phí đặt hàng sản xuất thiết bị mới có giá… “rẻ như cho”; đội ngũ khoa học được ưu ái giá thuê nhà, phương tiện làm việc… với mức giá chỉ bằng 1/5 so với giá thuê nhà ở Tokyo!
Chia sẻ về cảm xúc khi đặt chân đến những thành phố công nghệ, ông Quốc nói: “Đó là những thành phố có nhịp sống bình thường như bao nhiêu thành phố khác. Cũng quán xá, bar, hiệu buôn… Nhưng doanh thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất công nghệ cao… chiếm đến 90% tổng giá trị. Đặc biệt ở đó không hề thấy nhà máy có ống khói”.
“Khát vọng xây dựng thành phố phía đông là thành phố công nghệ rất đáng trân trọng. Các doanh nghiệp đang cần chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đúng đắn, tổ chức nhiều hơn các sự kiện về khoa học để tập hợp nguồn chất xám, kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là cần có những lãnh đạo biết dấn thân cho khoa học và công nghệ” (Ông Nguyễn Hiền, Giám đốc công ty phần mềm iNet Solutions).
Song Minh
(còn nữa)