Sài Gòn, cách một dòng sông… Bài 2: Khát vọng

Thứ bảy – 02/05/2020 14:37 

Việc chọn mô hình thành phố phía đông có công năng chính là “thành phố khoa học sáng tạo”, là “đô thị công nghệ” chính là ý tưởng của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cựu trưởng ban ban quản lý SHTP, TS. Lê Hoài Quốc nói.

Quận 2 mộng mị. Ảnh: Phương Bảo

Khi quay về TP.HCM nhậm chức bí thư Thành ủy vào tháng 5/2017, cuối năm, ông Nhân và lãnh đạo nhiều sở ngành đã sang thăm Hoa Kỳ. Ngoài những phần việc đối ngoại, ông Nhân còn thăm nhiều tập đoàn lớn và Silicon Valley để tìm hiểu cách làm cùng với những lời mời đầu tư vào thành phố phía đông.

Đường sá quận 2 giờ đã rộng hơn. Ảnh: Lê Tín

So với lần đầu trình đề án thành phố phía đông vào năm 2014, trong nhiều hội thảo trước đó và tại HEF 2018, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, khi chọn công năng của thành phố phía đông chính là dựa trên 3 “trụ cột”: cụm các trường đại học đóng trên địa bàn Thủ Đức, SHTP ở Q.9 và hạ tầng đô thị đã và đang có của Q.2. Ngoài ra, còn có phần góp sức của khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2, cảng Cát Lái… Gần đây, Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025. Theo quyết định này, bổ sung khu công viên khoa học và công nghệ (trực thuộc SHTP) có quy mô 166,2 ha là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cho thành phố phía đông.
TS. Quốc cho rằng, 3 trụ cột trên chỉ là những yếu tố cần, muốn đủ phải có thêm 3 điều kiện mới: Nhà nước phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiện đại; Cơ chế và chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và thiết chế riêng cho doanh nghiệp công nghệ.
Ông Nguyễn Quân, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tâm sự: “Trên thế giới có nhiều thành phố công nghệ rất độc đáo. Ý tưởng về việc xây dựng thành phố phía đông rất hay. Nhưng để làm được mô hình đó, dù sau này, ai làm lãnh đạo, từ trung ương đến địa phương, phải kiên định với mục tiêu ban đầu, từ quy hoạch cho đến các tiêu chí thực hiện”.

Mỗi chính sách phải được thể hiện bằng giá trị vật chất, không thể bằng những lời nói suông. Lâu nay, chúng ta chỉ động viên nhau bằng niềm tin mà chưa có những thiết chế tác động sự hứng khởi của nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng (TS. Lê Hoài Quốc).

Với góc nhìn riêng, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, thành phố phía đông hội đủ những điều kiện cần thiết của một mô hình thành phố sáng tạo: khu công nghệ cao (đã có SHTP), khu nghiên cứu và phát triển là cụm trường đại học của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Fullbright và ĐH Sư phạm Kỹ thuật; hạ tầng giao thông có cao tốc Long Thành – Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, sân bay Long Thành, cảng Cát Lái… “Hiện nay, mô hình thành phố phía đông chỉ còn thiếu khu sáng tạo. Đây là tiểu khu quan trọng, có vai trò kết nối với các khu chức năng, không chỉ là nơi làm việc mà còn phải có không gian sống hoàn chỉnh cho cộng đồng nghiên cứu và các nhà đầu tư”, kiến trúc sư Nam Sơn chia sẻ. 

Phố Đông Thượng Hải. Ảnh: TL

Nhìn từ Phố đông Thượng Hải (Trung Quốc) như một điển cứu của mô hình “thành phố trong thành phố”, ông Nam Sơn nói tiếp: “Một trong những yếu tố để Phố đông Thượng Hải phát triển như ngày hôm nay chính là cơ chế quản lý đặc biệt trong việc xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư… Từ một vùng đất trống có diện tích gần bằng thành phố phía đông của TP.HCM, sau 20 năm, khu đô thị này đã phát triển vượt trội, góp giá trị rất lớn vào sức mạnh của Thượng Hải hôm nay”.

Song Minh
(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm: