Sài Gòn, cách một dòng sông… Bài 3: Những dấu hỏi

Chủ nhật – 03/05/2020 08:00 

“Vậy mất bao lâu để hình thành thành phố phía đông theo mục tiêu đã đề ra?”, ông Quốc trầm ngâm rồi nói: “Có thể là 10 năm, cũng có thể là vài chục năm. Nhanh hay chậm là do chủ trương của lãnh đạo từ Trung ương đến TP.HCM dựa vào khả năng đầu tư và có đưa vào kế hoạch ưu tiên hay không”.

Một góc Q.2. Ảnh: Lê Tín

Ông Nam Sơn cho rằng: “Vì Việt Nam chưa có mô hình tiền lệ, để xây dựng thành phố phía đông, cần nghiên cứu kỹ những mô hình đã thành công trên thế giới, từ đó hoạch định cơ chế và chính sách riêng, cần có cơ chế thoáng trong việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Nếu xây dựng thành phố bằng ngân sách nhà nước không biết bao giờ mới xong”.

Cuối năm 2015, khi còn là thị trưởng San Jose (California, Hoa Kỳ), ông Ron Gonzales (người có công lớn đưa Silicon Valley trở thành trung tâm công nghệ thế giới) đến thăm SHTP. Nói chuyện với đội ngũ chuyên gia đang làm việc tại đây, ông chia sẻ: “Phải tuỳ theo nội lực và điều kiện thực tế mà xây dựng những mô hình riêng, phù hợp với điều kiện thực tế. Silicon Valley phát triển là nhờ có cơ chế thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng đổ tiền cho những ý tưởng sáng tạo. Muốn vậy, phải có cơ chế tài chính đặc biệt mới tìm được nhà đầu tư”. Song song với việc tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Ron Gonzales, “trước hết phải tìm những nhà tư bản nội địa vì họ luôn có trách nhiệm với đất nước”.

Nhiều nhà cao tầng mọc lên nhưng nhiều chuyên gia lo ngại Thủ Đức sẽ là nơi mua bán đất. Ảnh: Lê Tín 

Đứng trước một dự án quá lớn và quá phức tạp như thành phố phía đông, ông Quân băn khoăn: “Sợ nhất là biến tướng thành những khu đô thị dân cư, là nơi kinh doanh địa ốc, vừa lãng phí nguồn lực của đất nước, vừa gây ra những hệ lụy xấu cho cộng đồng dân cư trong việc dời dân, giải phóng mặt bằng… trong hàng chục năm qua”.
Điều ông Sơn lo ngại hiện nay là quỹ đất của thành phố phía đông đang còn trống nhiều và rẻ nên sẽ có hiện tượng các nhà kinh doanh bất động sản nhảy vào đầu cơ địa ốc để “đón đầu”. Để ngăn chặn hiện tượng này, theo ông Sơn, “cần gom quyền quản lý đất về một đầu mối quản lý với những quy định sử dụng nghiêm khắc”.
Theo ông Quân, mô hình thành phố phía đông sẽ là thách thức lớn vì chính sách thay đổi liên tục, sẽ làm khó cho việc xây dựng và quản trị. “Theo tôi, cần giao mô hình này cho riêng ai đó có đủ tầm, đủ đức quản lý theo đúng mục tiêu đã đề ra”, ông Quân đề xuất.

Nghe về mô hình thành phố phía đông quá hấp dẫn. Nhưng quả thật, để khát vọng đó trở thành hiện thực, còn quá nhiều điều để làm. Nếu làm được mới có hy vọng đánh thức mảnh đất vốn đang sôi sục vì buôn bán đất hơn là tạo ra những giá trị từ chất xám con người như ý tưởng ban đầu!

Sài Gòn tháng 4/2020
Song Minh

Có thể bạn quan tâm: