Thứ hai – 15/02/2021 08:52
Nhiều hàng quán chỉ có vài bộ bàn ghế nên những bà chủ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện lên “áp” của ai đó, nói gì đầu tư gian hàng trên mạng internet. Nhưng, dịch Covid-19 lan đến Việt Nam. Muốn tồn tại phải bán online. Vậy là… hàng triệu “công dân số” chào đời!
Ông Huỳnh Lâm Hồ, giám đốc công ty công nghệ Haravan bình luận: “Vì có dịch bệnh mà nhiều nhà bán lẻ truyền thống, từ quán cà phê đến tiệm tạp hóa, cửa hàng nhỏ… ùn ùn tham gia bán hàng online. Họ tự chuyển mình, chẳng chờ ai biểu”.
Từ cửa hàng to
Chưa có số liệu chính xác về số lượng nhóm bán hàng nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhỏ đã “số hóa” khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Từ việc bóc tách những dự án lớn, sơ sơ đã ngấp nghé con số hàng triệu! Ông Hồ nhận định: “Trong năm 2020, lượng đơn hàng kinh doanh online từ người kinh doanh nhỏ lẻ cho đến cộng đồng doanh nghiệp đã tăng gấp 4 lần so với năm 2019, chủ yếu đến từ mạng xã hội, website và sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT). Những lần dịch tái phát, tốc độ kinh doanh online phát triển nhanh hơn và mạnh hơn”.
Từ công việc của công ty trong năm 2020, ông Hồ chia sẻ số liệu: năm 2020, số lượng website do riêng Haravan xây dựng cho các đối tác lớn nhỏ tăng 150% so với năm 2019, hơn 9.000 đối tác, trong đó có khoảng 2.000 đối tác được miễn phí. Theo lời vị giám đốc này, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm… “chuyển mình rất nhanh theo xu thế” vì có đến 83% lượng khách chọn hình thức mua hàng trên các kênh online khi chủ trương “giãn cách, cách ly xã hội” theo yêu cầu của chính quyền.
Hồi cuối tháng 5/2020, khi dịch bệnh đang ở giai đoạn cao trào tại Việt Nam, để tiếp sức cho các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ có cơ hội tồn tại, Tiki, hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cùng trung tâm phát triển kinh doanh online của IM Group đã khởi động dự án “Hỗ trợ 500.000 doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử” trong 3 năm 2020 – 2022. Trong năm 2020, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch VECOM, dự án sẽ hỗ trợ 150.000 doanh nghiệp tại 30 tỉnh thành: Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau… Với dự án này, Tiki cam kết hỗ trợ thiết kế gian hàng, miễn phí cho 100 sản phẩm đầu tiên, tư vấn có 10 đơn hàng đầu tiên, 1 tháng chiết khấu chi phí lưu kho Tiki… với số tiền tuyên bố là 200 tỷ đồng chỉ riêng trong năm 2020!
Đến tiệm tạp hóa, quán ăn…
Bà Lê Thị Dung, giám đốc tăng trưởng của công ty công nghệ Sapo cho biết, tính đến tháng 1.2021, hệ thống Sapo đã có 105.000 đối tác với 5 ngành hàng chính: vật liệu xây dựng, thời trang – mỹ phẩm, điện tử – điện lạnh… Riêng nhóm hàng kinh doanh thực phẩm – ăn uống, dù mới xuất hiện trong năm 2020 nên số lượng còn thấp, khoảng 10.000 đối tác nhưng đây là nhóm có tỷ lệ gia tăng cao nhất. Theo bà Dung, tất cả các đối tác của Sapo đều có cửa hàng thực tế, nay vì dịch bệnh và xu hướng số hóa mà mở rộng hình thức đa kênh, nghĩa là thêm kênh online chạy trên các nền tảng trực tuyến: mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT, ứng dụng…
Ngày 5/10/2020, One Mount Group (thành viên của Vingroup) cùng đối tác là ngân hàng Techcombank thành lập VinShop để thực hiện khát vọng “số hóa” 1,4 triệu tiệm tạp hóa tại thị trường Việt Nam. Khi tham gia dự án này, chủ các tiệm tạp hóa sẽ được VinShop cung cấp công cụ quản lý bán hàng để trực tiếp nối kết với nhà sản xuất cung cấp hàng hóa về số lượng, giá cả, khuyến mại… theo từng thời điểm. Sau gần 4 tháng thực hiện, đại diện VinShop cho biết, đã có hơn 55.000 tiệm tạp hóa tham gia dự án.
Còn đó chừng 400.000 quán ăn tham gia các ứng dụng của Grab như GrabFood, mới nhất là GrabMart; Now và Foody (thành viên của Foody), Baemin, GoFood của Gojek, Loship, Savyu, Lozy, AhaMove… Những quán ăn, quán nhậu có tên tuổi thường nhận làm đối tác từ 3 – 5 dịch vụ. Bà Thúy, chủ quán Cây Thị (Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Là quán ăn, quán nhậu cho dân văn phòng nhưng từ đầu năm 2020, nhiều khách hàng gọi tới để đặt đồ nhậu… về nhà. Nghĩ đây là nhu cầu của khách trong thời dịch bệnh nên tôi nhận lời nhiều ứng dụng”.
Đồng hành cùng các nhà bán lẻ “số hóa” là tốc độ gia tăng của lực lượng giao hàng “công nghệ” và cả nhóm tài xế xe ôm tự do. Với dịch vụ giao nhận hàng chuyên nghiệp, ngoài Grab, Gojek, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm…, hiện thị trường xuất hiện những “tay chơi” mới như DHL, J&T Express… có nhiều tiềm lực về tài chính sẽ tạo ra những cơn sóng trong dịch vụ này.
Lúc buồn, lúc vui
“Có ngày được 5 – 7 đơn hàng, có ngày lên tới 10 đơn với giá trị thấp nhất là 300.000 đồng/ đơn hàng. Thôi, mình có mất gì đâu, có thêm khách hàng nào, mừng khách hàng đó. Thời dịch mà”, bà Thúy cười.
Với góc nhìn riêng của một nhà thiết kế “hạ tầng”, bà Dung của Sapo nhận định: “Để vượt qua đại dịch, việc nhiều nhà bán hàng chọn giải pháp bán hàng đa kênh là cách làm khôn ngoan hơn cả”. Với kết quả khảo sát 10.000 nhà bán hàng của Sapo vào cuối năm 2020, bà Dung cho biết: “Dù chưa như mong đợi, nhưng với tỷ lệ 56% nhà bán hàng nói rằng doanh thu có tăng so với năm 2019 là niềm vui cho từ nhiều phía, vui nhất là chính các nhà bán lẻ”, bà Dung nói thêm.
Không chỉ có lời mà nhiều chủ tiệm còn nói rằng, họ có thêm kiến thức về “số hóa”, biết mở rộng cách mua bán hiện đại… Cứ thử ghé một quán ăn nào đó có treo các ứng dụng nhận và giao đồ ăn sẽ thấy các bà chị trên 60 tuổi sử dụng thành thạo “áp” như thế nào. Bà Mai, chủ quán đặc sản Phan Rang khu cư xá Bắc Hải (Q.10, TP.HCM) cười tươi, nói đặc sệt giọng Phan Rang: “Lúc đầu ngu lắm, chỉ quài mà không nhớ. Học đêm học ngày rồi cũng làm được. Giờ thấy dễ rồi. Nhờ dậy mà có khách mua hàng, sống được qua mùa mắc dịch”. Theo thống kê của nhiều chủ sàn, nhóm hàng thực phẩm – y tế, điện tử… có doanh thu trội hơn, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu doanh thu của từng tiệm bán lẻ.
Theo số liệu từ Sapo, hiện có 59% nhà bán lẻ trực tuyến đã chọn các nhà giao hàng chuyên nghiệp làm đối tác. Vì phát triển nóng, chưa có công cụ quản lý nhân viên hiệu quả, hiện dịch vụ giao hàng còn nhiều điểm buồn, nhất là tráo hàng từ khâu nhận hàng của người bán đến tay khách hàng, ngày càng tăng. Nhiều nhà bán lẻ than phiền khi iPhone 12 trở thành cục đá, hộp bút màu; iPhone 11 hóa thành viên gạch…
Một điểm yếu khác của mô thức kinh doanh online hiện nay chính là tỷ lệ “giao hàng thu tiền giùm” (cash on delivery – COD) còn quá cao, chiếm khoảng 90%. Ông V.D, một chuyên gia về TMĐT giải thích: hiện nay, tỷ lệ trả hàng, không nhận hàng… trong kinh doanh trực tuyến chiếm từ 10 – 15%. Chính yếu tố này đã làm nhà kinh doanh tốn chi phí vận chuyển, thời gian xử lý đơn hàng, quản trị hệ thống… Ông Hồ bình luận: “Kinh doanh online tại Việt Nam có chi phí cao, quản trị hệ thống còn yếu, điều cốt lõi là giữa bên mua bên bán là thiếu niềm tin… nên chưa thật sự hấp dẫn các nhà bán lẻ tham gia”.
Năm 2021 đã đến. Hoàn cảnh xã hội đặc biệt của năm 2020 đã thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, là cơ hội với kinh doanh trực tuyến và là thách thức cho hàng triệu “công dân số” tại Việt Nam. Phó chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng nói: “Thay đổi thói quen kinh doanh của nhiều nhà bán lẻ từ hình thức trực tiếp đến trực tuyến cần phải kiên trì, nhiều điều khó nhưng phải làm”. Ông Hồ cho rằng, với những diễn tiến trong năm 2020, doanh thu kinh doanh trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt được con số 25 tỷ USD vào năm… 2023 so với dự kiến vào năm 2025!
(Theo Thế giới Tiếp thị – Giai phẩm Xuân Tân Sửu)
Box: “Tổng giá trị giao dịch của kinh doanh trực tuyến Việt Nam năm 2020 đạt 12 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2019. Đến năm 2025, mô thức kinh doanh này có thể đạt tổng giá trị giao dịch 25 tỷ USD” (Theo khảo sát của Google, Temasek và Brain & Company tháng 11/2020).