Vào lúc này, ai cũng biết về tầm quan trọng của CĐS đối với nền kinh tế. Nhưng để CĐS, bắt đầu từ đâu và làm như thế nào? Các cơ quan quản lý, nhiều vị lãnh đạo vẫn nói về CĐS một cách rất trơn miệng! Còn doanh nghiệp, có vị giám đốc còn nói cho được lòng lãnh đạo bằng tuyên bố: “Chuyển đổi số hay là chết”! Hơn lời thánh phán.
Đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019, kéo dài suốt năm 2020 đã xóa thành quả tăng trưởng trước đó. Mặc dù là một trong số ít quốc gia khống chế dịch thành công, nhưng trong bối cảnh toàn cầu bị dịch bệnh, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng: tăng GDP trong năm 2020 chỉ đạt mức 2,91%, gần 93.500 DN ngừng hoạt động. Năm 2020 cũng là năm thiên tai gây thiệt hại lớn với tổng giá trị thiệt hại ước tính 38.400 tỷ đồng.
Nhìn lại năm 2020 đầy sóng gió, nhiều người hỏi về tương lai của công cuộc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, Nhà nước có giải pháp gì để giúp doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất kinh doanh và tiếp tục phát triển trong những năm tới? Một câu hỏi không dễ gì trả lời trọn vẹn.
Chuyển là tất yếu
Năm 2019, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số giải pháp tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đại dịch, Chính phủ đã ban hành Quyết định 749 phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa CĐS với số hóa, cũng như nhiều nhà quản lý vẫn mơ hồ giữa khái niệm Chính phủ điện tử và Chính phủ số. Nói một cách ngắn gọn, CĐS là đưa toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế lên môi trường số, sử dụng các công nghệ số để khai thác và kết nối dữ liệu số để tạo lập nền kinh tế thông minh hơn. Như vậy, số hóa là bước đi đầu tiên của quá trình CĐS, cũng như Chính phủ điện tử là giai đoạn đầu của Chính phủ số. Quyết định 749 đã xác định: “Chương trình CĐS quốc gia nhằm mục tiêu kép, vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các DN công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”.
Bắt đầu từ đâu?
CĐS, trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Người đứng đầu DN phải hiểu về CĐS, tập trung nhân lực, tài chính, nền tảng công nghệ… theo từng công đoạn: số hóa toàn bộ tài sản thông tin, chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số; sử dụng công nghệ số để tối ưu từng công đoạn trong quy trình sản xuất và quản lý, kết nối dữ liệu số…
Làm thế nào để DN thực hiện CĐS? Trong bối cảnh DN Việt Nam là vừa và nhỏ, tôi chỉ muốn đề cập một yếu tố có ý nghĩa quyết định sự thành công của CĐS, đó là vai trò của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trên cả hai phương diện thể chế và nguồn lực. Nói cách khác, đó là vai trò “bà đỡ” của Nhà nước.
Cùng với công nghệ, thể chế là động lực của CĐS. Nhà nước kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích và sẵn sàng chấp nhận thử nghiệm sản phẩm, mô hình kinh doanh… song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý chưa đầy đủ, thậm chí chưa ban hành.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, “kiến tạo thể chế” là đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động, từ cơ chế đặt hàng nghiên cứu, cơ chế cấp kinh phí kịp thời cho nhiệm vụ nghiên cứu, quyết toán một lần khi kết thúc hợp đồng nghiên cứu; đơn giản hóa thủ tục cấp phát kinh phí ngân sách…
Nhưng chuyển như thế nào?
Tại nhiều hội thảo về CĐS, các diễn giả thường tranh luận về cơ chế hỗ trợ tài chính của nhà nước cho DN. Đây là bài toán nan giải, vì ngân sách nhiều năm qua rất khó khăn, tỷ lệ bội chi cao, tỷ trọng chi thường xuyên và trả nợ ngày càng tăng. Thực tế các gói hỗ trợ trong phòng chống Covid-19 cho thấy nhiều bất cập, tỷ lệ giải ngân thấp, số lượng DN tiếp cận hạn chế. Ngay cả các quỹ như Quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia hoạt động không hiệu quả. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “ưu tiên kinh phí từ ngân sách nhà nước để CĐS”, nhưng hầu hết DN Việt không đủ khả năng CĐS.
Vậy lối thoát nào khi họ vừa gồng mình để trụ trong cơn bão Covid-19, vừa phải CĐS? Đó là Quỹ phát triển KH&CN của DN. Để có được nguồn tài chính cho CĐS, Chính phủ cần đề xuất với Quốc hội “sửa đổi ngay Luật thuế thu nhập DN hiện hành quy định DN chỉ được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế lập quỹ phát triển KH&CN”.
DN vừa và nhỏ chỉ có lợi nhuận trước thuế không quá vài tỷ đồng. Nếu chỉ được trích 10%, khoảng vài trăm triệu đồng cho quỹ phát triển KH&CN, chắc chắn không đủ tiền để CĐS! Nếu gỡ bỏ quy định này, trước mắt sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhưng CĐS thành công, những năm sau tăng doanh thu và lợi nhuận, họ sẽ nộp thuế nhiều hơn. Đó là giải pháp “nuôi dưỡng nguồn thu”, thay đổi tư duy từ “quản lý theo kịp phát triển” sang “quản lý kiến tạo phát triển” như ý kiến của một chuyên gia CĐS phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển công nghệ số Việt Nam mới đây.
Ngoài ra, có thể thí điểm chính sách “cho phép DN trích tỷ lệ lớn hơn 10% lợi nhuận trước thuế đầu tư cho CĐS”. Cùng với các gói hỗ trợ khác của Chính phủ và các nguồn tài chính quốc tế sẽ giúp DN trong tiến trình CĐS.
Mùa xuân mới mang đến hy vọng những bước đi vững chãi cho Chương trình CĐS quốc gia.
Tâm Nguyễn
(Theo giai phẩm Xuân Tân Sửu của Thế giới Tiếp thị)