Nhớ chuyến băng rừng Bidoup – Phước Bình

Thứ hai – 22/03/2021 14:42 

Cách đây vài ngày, lần đầu tiên, từ vườn quốc gia Bidoup (Lạc Dương, Lâm Đồng), tôi và đồng bọn băng rừng về núi Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận). Với chiều dài 31km, cả bọn cứ tung tăng trong 2 ngày 1 đêm. Cung đường này đẹp nhưng khó hơn cung Tà Năng – Phan Dũng “kha khá”.

Về với đại ngàn…

Bắt đầu leo núi…
Mùa này đi rừng đúng là trải nghiệm kiểu “qua miền cỏ cháy” chứ không còn là “qua miền cỏ hát” như hồi tháng 12 năm ngoái. Ngày đầu tiên, đi trong rừng rất đẹp và mát nhưng bước sang ngày thứ hai, toàn xuyên qua miền cỏ cháy, băng qua những nương rẫy khai hoang không còn bóng mát! Nhiều thành viên trong bọn nói giỡn: “Tụi mình đi về thành khô 1 nắng luôn”.

Những chai nước mát lấy từ dòng suối

Cung đường này xuất phát ở độ cao 1.400m, cứ leo lên từ từ. Khi đạt ở độ cao 1.770m là đi ngang ở độ cao này cho đến gần hết buổi chiều, rồi đột ngột hạ độ cao thẳng đuột, từ 1.700m xuống còn 550m để hạ trại ven suối. Cứ hình dung chỉ trong 4 tiếng của buổi chiều mà phải hạ chừng ấy độ cao, tương đương khi chạy xe từ Cầu Đất xuống đèo Dran cho đến hết đèo Ngoạn Mục để thấy mức hạ độ cao như thế nào.

Đi qua “những miền cỏ cháy”…
Phía trước là màu trắng của đất, màu vàng của nắng
Hạ trại giữa rừng chiều…
Món cá nướng của bữa ăn tối

Hãy trải nghiệm một lần để hiểu, còn nói, có thể nhiều người sẽ cười… Cứ nghĩ đi xuống dễ hơn “bò lên” nhưng hạ độ cao là “khoai nhất, khó nhất và “toang” sức nhất”. Hai đầu gối cứ muốn trẹo xuống, cọ vào nhau, nhức… kinh khủng.
Từ xưa lắm rồi, cung đường Bidoup – Phước Bình là “cung đường muối” của người K’Ho. Theo cung đường này, họ gùi muối từ miền biển Ninh Thuận lên cao nguyên. Giờ dấu chân người xưa không còn nữa. Thay vào đó, hiện có rất nhiều dấu chân bò tót khi băng qua cung đường này…
Bài và ảnh: Phạm An Dương

Có thể bạn quan tâm: