Đó là nhận xét của ông Dash Badcock, giám đốc khu vực của Google tại sự kiện công ty viễn thông FPT (FPT Telecom) chính thức giới thiệu thế hệ playbox mới: FPT Play Box S tại Hà Nội vào tối ngày 26.4.2021 tại Hà Nội.
Với công nghệ điều khiển bằng giọng nói, trong khoảng cách tối đa là 5m, người dùng chỉ cần đọc câu lệnh “Hello Google”, sau đó đọc yêu cầu bằng tiếng Việt, Play Box S sẽ thực hiện. “FPT Play Box S là thiết bị TV box duy nhất nhận lệnh bằng tiếng Việt trên thị trường”, một cách nói khác về thiết bị này của ông Lê Trọng Đức, giám đốc sản phẩm FPT Play Box.
Khác với những thế hệ TV box trước đây, Play Box S không chỉ thực hiện những yêu cầu với các nội dung trên chiếc tivi, mà còn có khả năng thực hiện các yêu cầu với các thiết bị điện khác (FPT gọi là “hệ sinh thái”) trong nhà như: rèm cửa, đèn, quạt, máy hút bụi…, sắp tới là máy lạnh và những thiết bị điện gia dụng khác có kết nối wifi, hồng ngoại… với giúp đỡ cuả “trợ lý ảo” Google Assistant và ứng dụng Rogo Smart Home.
Nói về khả năng xử lý giọng nói của Play Box S, theo ông Đức, hiện thiết bị này nhận khá tốt nhiều “giọng”, từ giọng Bắc, Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Bình Định…) cho đến Nam. Quả thật là như vậy nhưng tỷ lệ còn thấp! Một nhân viên kỹ thuật của FPT Telecom chia sẻ: “Khi bắt đầu dạy Play Box S, vì nhân viên nói giọng Bắc nên hiện tại thiết bị này nhận giọng Bắc chuẩn hơn, nhanh hơn… Còn giọng của nhiều vùng khác, phải cho thiết bị học chừng 5 – 10 ngày sử dụng, lúc đó sẽ từ từ thiết bị hiểu hơn”. Play Box S là thiết bị tích hợp công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) nên cần thời gian để người dùng “xóa mù” cho thiết bị. Ngoài tiếng Việt, dòng TV box này còn nghe và hiểu được 3 ngôn ngữ: Anh, Pháp và Trung.
Ngoài việc điều khiển hệ sinh thái thiết bị điện tử trong nhà, theo ông Đức, một tiện ích mà Play Box S đem lại cho người tiêu dùng chính là “lập lịch điều khiển các thiết bị Smart-home như bóng đèn, công tắc, rèm cửa theo các múi giờ cố định hay theo tín hiệu cảm biến chuyển động, cảm biến cửa, cảm biến ánh sáng… như mở rèm cửa và tắt đèn ngủ lúc 6 giờ sáng hay bật đèn hành lang, đèn nhà vệ sinh khi có người ra vào, giảm đèn nếu như cần một lượng ánh sáng vừa đủ để coi phim tại nhà”.
Về lý thuyết, Play Box S sẽ tương thích với hơn 5.000 thiết bị thông minh từ hơn 150 nhà cung cấp thông qua nền tảng Google Home. Nhưng trên thực tế, theo ông Đức, hiện FPT Telecom đã kết nối với dăm ba doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện gia dụng trong nước như Điện Quang, Rạng Đông, Kangaroo… để lên kế hoạch sản xuất hệ sinh thái với Play Box S là “thành viên trung tâm”.
Giá FPT Play Box S là 2,39 triệu đồng. Mức giá này bao gồm phí sử dụng 1 tháng gói VIP và 12 tháng gói Gia đình.
Box:
Play Box S sử dụng chip xử lý AML S905X3 tích hợp NNA (Neural Network Accelerator) cho phép hỗ trợ tốt hơn các lệnh thoại, xử lý ngôn ngữ; hệ điều hành Android TV 10 của Google, 2GB RAM và 16GB ROM, chip đồ họa ARM Mali-G31 MP2 hỗ trợ xuất video đầu ra tối đa ở độ phân giải 4K-60P… Về kết nối, Play Box S hỗ trợ các chuẩn kết nối: wi-fi băng tầng kép (5GHz và 2.4GHz), bluetooth BLE Mesh, Zigbee Mesh (thông qua USB 3.0) để kết nối nhiều thiết bị và “sáu mắt IR Blaster” (hồng ngoại) nối với các thiết bị như TV, máy lạnh, quạt… có tín hiệu hồng ngoại; cổng HDMI 2.1, cổng âm thanh optical, khe cắm thẻ nhớ Micro SD; cảm biến nhiệt độ và độ ẩm.
FPT Play Box S không chỉ dùng để coi các kênh truyền hình, phim… mà còn có các ứng dụng: Omni Shop là ứng dụng mua sắm trực tuyến trên TV; Rogo Home điều khiển các thiết bị thông minh trong gia đình bằng giọng nói, Okara dùng để thu âm các bài hát yêu thích; Google Cast hỗ trợ trình chiếu hình ảnh từ smarphone lên TV; Airplay là ứng dụng trình chiếu không dây chia sẻ nội dung video, âm thanh, hình ảnh từ các thiết bị iOS; Gameloft là kho game; Edumall dành để học online, cung cấp kiến thức thường thức về đời sống, sức khỏe, gia đình…
Minh Tú