Tính từ tháng 3 trở lại đây, mỗi tháng thị trường Việt Nam sắm mới 250.000 bộ máy lạnh. Đây không phải là con số lớn so hàng chục triệu bộ máy lạnh “chưa chịu hư”. Nỗi bực mình của những ai đang xài máy lạnh cũ (hết hạn bảo hành) là những chuyện tưởng chừng vặt vãnh: rửa, bơm gas, kiểm tra ống đồng… “Thời buổi này, tìm được thợ sửa máy lạnh “có tâm” sao mà khó quá”, nhiều khách hàng than như vậy!
Hơn nửa tháng nay, Sài Gòn dính Covid-19 nên nhiều khách hàng than trời vì máy lạnh đến lúc quá… dơ! Còn thợ rửa máy lạnh lại đang… “đói” vì chẳng có ai dám gọi đến nhà! Chờ hết dịch, nghề rửa máy lạnh lại “nóng”.
Máy lạnh nóng như lò nướng!
Hồi giữa tháng 5, ông Kính, chủ một tiệm sửa xe trên đường số 8 (P.11, Gò Vấp, TP.HCM) vừa sửa xe cho khách, vừa lầm bầm kể, đã thỉnh 2 thợ tới rửa chiếc máy lạnh hiệu Daikin mua cách đây 2 năm nhưng chỉ được vài tuần là trở thành “máy nóng”! “Tiền không tiếc, chỉ tiếc công và bực mình vì nóng. Mấy đứa nhỏ ngủ không được, khóc cả đêm”. Mỗi lần rửa, ông Kính kể, tiền công là 120.000 đồng, tiền bơm gas (lần nào rửa, thợ cũng nói phải bơm gas) từ 80 – 100.000 đồng, cộng thêm tiền bo 50.000 đồng cho hai thợ để uống nước.
Ông Huỳnh ở Thủ Đức cũng trong tình cảnh tương tự nhưng mọi chuyện tưởng là do chiếc máy lạnh hiệu Mitsubishi đã mua 5 năm nên ông Huỳnh “ngậm đắng nuốt cay”, cứ 2 – 3 tháng lại kêu thợ tới vệ sinh máy lạnh. Lần nào thợ rửa máy lạnh, ông cũng thấy ống nước xả đen xì vì khu nhà ông ở đang có nhiều người xây nhà. Tưởng vậy là tìm ra bệnh của chiếc máy lạnh. Nhưng cách đây hơn 1 tuần, chiếc máy lạnh bỗng dưng không còn mát nữa dù lần rửa gần nhất chưa đầy 1 tháng.
Giá… xêm xêm!
Hiện trên thị trường dịch vụ mùa nóng, nghề rửa máy lạnh (kèm thêm bơm gas) sống ngon lành. Đông cho biết, ngoài thời gian và chỉ tiêu của công ty, còn làm thêm, có ngày đến 10 giờ tối, kiếm thêm 600 – 800.000 đồng/ 2 người. Nói chuyện với nhiều thợ rửa máy lạnh, mùa nóng là mùa kiếm cơm ngon nhất của họ. “Lắp ráp mệt lắm mà tiền lại ít. Còn rửa và bơm gas, nếu tận tâm và có trách nhiệm sẽ có việc làm quanh năm, từ mối quen gia đình cho đến công ty”, ông Tạo, thợ rửa máy lạnh đã có hơn 20 năm làm nghề nói.
Khảo sát giá dịch vụ bảo trì máy lạnh tại Điện máy Xanh, giá rửa máy lạnh từ 1HP – 1.5HP là 100.000 đồng/ máy, còn máy từ 2 HP – 3 HP là 150.000 đồng/ máy; máy lạnh âm trần có công suất từ 3HP – 5HP là 250.000 đồng/ máy; nếu khách hàng có yêu cầu bơm gas máy lạnh, loại từ 1 đến 2HP có giá 100.000 đồng/ máy, bơm gas máy lạnh âm trần từ 2.5 đến 5HP – 200.000 đồng/ máy… Theo tổng đài dịch vụ của Điện máy Xanh, dịch vụ rửa và bơm gas máy lạnh sẽ trải qua 6 bước: kiểm tra, vệ sinh dàn lạnh, vệ sinh dàn nóng, sạc gas, kiểm tra máy, cuối cùng là làm sạch khu vực máy lạnh.
Tại công ty Thợ Việt (Phú Nhuận, TP.HCM), giá trọn gói dịch vụ vệ sinh và sạc gas là 150.000 đồng kèm theo thời gian bảo hành 3 tháng. Ông Tạo cho biết, giá rửa máy lạnh của những thợ tự do như ông sẽ cao hơn: vệ sinh máy lạnh có giá từ 120 – 140.000 đồng/ máy, còn bơm gas tùy thuộc vào lượng và loại gas bơm vào máy lạnh, từ 80 – 120.000 đồng/ lần.
Tùy tâm
Chính vì dễ “kiếm cơm” mà dịch vụ này cũng lắm hàng dỏm. Nhiều dịch vụ bảo hành ngang nhiên lấy tên những thương hiệu lớn trong ngành kinh doanh điện máy như Nguyễn Kim, Điện máy Xanh… để dụ dỗ khách hàng. Đại diện của hai thương hiệu trên cho biết, dù đã nhờ đến các cơ quan có trách nhiệm nhưng chỉ được vài tháng, đâu lại vào đó. Những ông chủ “lụi” này chính là nhân viên cũ, khi trưởng thành, tách ra làm riêng. Nhiều khách hàng cho biết, họ làm cũng được lắm! Chưa có điều kiện kiểm chứng những dịch vụ này ra sao. Nhưng đã kiểm chứng nhiều thợ rửa tự do, với họ, “quẹt quẹt” rồi lấy tiền, không cần biết lần sau…
Trở lại với câu chuyện của ông Huỳnh. Được người chỉ Điện máy Xanh có mở dịch vụ bảo trì máy lạnh, ông Huỳnh gọi tổng đài 18001065. 2 giờ chiều cùng ngày (hồi giữa tháng 5), có hai nhân viên mặc trang phục của Điện máy Xanh gõ cửa. Cũng như những lần trước, lần này cũng có nước đen chảy ra nhưng sau khi bật lại máy, Tùng, một nhân viên Điện máy Xanh cho ông biết: “Máy không đủ lạnh, nên phải tháo máy để kiểm tra bên trong. Nếu chú chịu, cháu sẽ tháo máy. Nếu máy không dơ, cháu sẽ ráp lại mà không tính tiền”. Khi máy tháo ra, theo lời ông Huỳnh, một lớp bụi đen bám chặt bên trong cốt cục lạnh. Đông, nhân viên thứ hai của nhóm thợ Điện máy Xanh nói với ông Huỳnh: “Bụi dày như vậy làm sao máy lạnh được. Những lần rửa trước, họ chỉ xịt bên ngoài nên chỉ mát được vài tuần. Còn lần này, bảo đảm là lạnh ít nhất 4 – 5 tháng”. Ông Huỳnh chốt: “Từ ngày kêu đúng thợ, máy lạnh đúng là… máy lạnh”.
Minh Thư