Ta vẫn nghe, vẫn thấy những địa danh quen thuộc của đất Sài Gòn: cầu chữ Y, chữ U, kinh Tàu Hủ, Kinh Chợ Vải, sông Bến Nghé, đường Lò Heo, ngả năm Chuồng Chó… Ngộ héng! Nhưng “ngộ” nhứt Sài thành chắc là địa danh cầu Ba Cẳng! Có lẽ, đây là cây cầu đi bộ đầu tiên của đất Sài thành.
Người Sài Gòn gọi như vậy vì cây cầu này có 3 “cẳng” thiệt! Một cẳng đi xuống đường Yunnan (âm gọi tên Vân Nam, sau 1955 được đặt tên là Vạn Tượng), còn hai cẳng kia bắc qua hai con đường hai bên rạch Bãi Sậy, bên trái xuống bến Bãi Sậy, bên phải xuống bến Nguyễn Văn Thành nơi đầu đường Cambodge (sau 1955 là đường Kim Biên).
Thực ra cầu Ba Cẳng cũng có tên Tây là Pont des 3 Arches, do công ty Pháp Brossard et Mopin xây dựng (công ty này đã xây chợ Bến Thành vào năm 1914). Nhà báo Nguyễn Văn Sâm và nhà bên vợ (em gái ông Trương Văn Bền) bỏ tiền đứng ra xây cầu này.
Cầu Ba Cẳng nằm ở đầu đoạn rạch Bãi Sậy, sau đó bị lấp thành đường Bãi Sậy và Phạm Văn Khoẻ (Q.6). Năm 1990, cầu Ba Cẳng bị sập. Địa danh này từ từ biến mất. Người già còn nhớ. Lớp trẻ lớn lên không biết. Lâu lâu có nghe người trẻ nói “dân chơi cầu Ba Cẳng”. Tưởng đó là thành ngữ nhưng nào ngờ, đó là tên của tác phẩm “Dân chơi cầu Ba Cẳng” của nhà văn Trương Đạm Thủy.
Dân Sài Gòn xưa dường như có thị giác rất mạnh (so với thính giác), cùng với phẩm chất không hoa hòe hoa sói như dân Bắc, dân Trung, nên đặt tên các địa danh rất ngộ. Không ngộ không phải là Saigonese rồi.
Cầu Ba Cẳng chỉ là một cây cầu bình thường, chẳng mấy quan trọng so với hàng trăm cây cầu khác ở Sài Gòn. Nhưng đã trở thành một phần của lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn với cái tên nghe thiệt ngộ. Dễ thương gì đâu…
Tuệ Lãng