Bắt đầu ngày tàn của chiếc điện thoại “cùi bắp”

Hôm nay 1.7.2021, lệnh cấm nhập điện thoại 2G/3G (99% là dòng 2G) có hiệu lực. Đó là quy định tại thông tư số 43/2020 của bộ Thông tin và Truyền thông về việc “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất”.

Việc cấm nhập khẩu điện thoại 2G sẽ làm người dùng chuyển sang smartphone 4G và nhà mạng đầu tư trạm phát sóng 4G là một trong những điều kiện cần để Việt Nam xây dựng xã hội số. Nhưng lộ trình này còn nhiều điều ngổn ngang.

Lẽ ra mạng 2G phải khai tử năm 2019...

Dư luận hiện quan tâm tới hai dữ liệu quan trọng của điện thoại di động 2G là đối tượng sử dụng và lộ trình cắt sóng 2G của các nhà mạng.

Theo cục Viễn thông (bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam ước tính còn 20 triệu chiếc điện thoại di động 2G. Trong đó, số máy này phần lớn đang có “hộ khẩu thường trú” ở các vùng nông thôn chừng 70%, còn lại là đô thị. Còn đối tượng người dùng là người lao động có thu nhập thấp: nông dân, lao động tự do… Chỉ có tỷ lệ rất thấp lao động có thu nhập khá trở lên mới dùng máy 2G cho nhu cầu gọi.

Thế giới Di động còn bày bán nhiều dòng điện thoại 2G!

Về phía nhà mạng, chưa có số liệu về số lượng trạm phát sóng 2G hiện là bao nhiêu, nhưng việc thay thế trạm 2G bằng trạm 4G không hề dễ dàng chút nào. Nhiều nhà mạng nói rằng, trong năm 2022 chưa thể xóa sóng 2G vì họ đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng viễn thông 4G cho khu vực nông thôn và miền núi vốn có chỉ số ARPU (Average Revenue Per User – doanh thu trên một thuê bao/ tháng) rất thấp. Viettel hiện là nhà mạng có nhiều thuận lợi hơn trong việc phủ sóng 4G vùng nông thôn so với hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone vốn có thế mạnh ở khu vực thị trấn cấp huyện trở lên.

Nokia hiện là nhà sản xuất có nhiều hàng điện thoại 2G tại thị trường Việt Nam với 2 triệu máy

Hiện nay, sức tiêu thụ dòng sản phẩm 2G tại thị trường Việt Nam ước chừng 400.000 máy/ tháng. Chia sẻ với Di Động Việt Nam, ông Phùng Ngọc Tuyên, giám đốc ngành hàng viễn thông của Thế giới Di động (TGDĐ) cho biết, hiện mỗi tháng hệ thống TGDĐ bán ra chừng 120.000 máy tháng. Năm ngoái, mỗi tháng hệ thống bán lẻ này bán khoảng 250.000 máy.

Khi nhận được thông tin về việc cấm nhập khẩu điện thoại di động 2G, nhiều nhà sản xuất đã tính toán tới việc nhập hàng bán từ từ. Theo nguồn tin riêng của Di Động Việt Nam, hiện lượng hàng 2G đã nằm tại kho ước chừng 4 triệu máy. Trong đó, Nokia còn khoảng 2 triệu máy, iTel – 1 triệu máy và Masstel – 1 triệu máy. Theo tính toán của ông Tuyên, với lượng hàng hiện có, khoảng chừng tháng 2.2022, Việt Nam sẽ không còn những chiếc điện thoại di động 2G mới trên thị trường.

Nhiều thương hiệu sản xuất điện thoại “cùi bắp” 2G: Nokia, iTel, Masstel, Energizer… đang có mặt tại thị trường Việt Nam

Vậy, khi ngưng nhập khẩu điện thoại 2G, nghĩa là nguồn hàng ngày càng eo hẹp, liệu nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ có tăng giá dòng sản phẩm này? Với câu hỏi này, Di Động Việt Nam đã có câu trả lời là có với mức tăng từ 1 – 1,5USD/ máy, tương đương 25 – 37.000 đồng/ máy! Nếu xét trên giá bán ra, mức tăng từ 5 – 10% so với giá bán hiện thời. Nhưng nhiều nhà sản xuất nói rằng, việc tăng giá không hề dựa vào lệnh cấm nhập khẩu của Việt Nam mà là chi phí sản xuất, nguyên liệu của điện thoại di động nói chung đã tăng từ lâu! Còn với nhà bán lẻ, theo ông Tuyên, “doanh thu từ điện thoại 2G rất thấp nên chỉ bán theo báo giá của hãng”.

Đã đến lúc khai tử chiếc điện thoại 2G (lẽ ra phải là năm 2019), thay vào đó là những thế hệ sản phẩm có công nghệ cao hơn. Ngặt nỗi, thu nhập còn quá thấp, địa bàn sinh sống hiểm trở khó phủ sóng 4G đã gây nhiều khó khăn cho lộ trình tiến đến xã hội hiện đại của cộng đồng người dân nghèo!

Minh Tú – Vân Khôi

Có thể bạn quan tâm: