Đọc dự báo của viện khoa học thủy lợi Miền Nam mà thấy buồn. Phần vì thiên nhiên trở lòng. Phần vì chữ nghĩa. Nước không tràn trề mà gọi là “lũ”, lại còn là “lũ nhỏ”.
Lũ nhỏ nên làm lũ nhỏ, lũ lớn không vui nếu không muốn nói là buồn, rất buồn…
Lũ nhỏ nên thu nhập hằng năm từ mùa nước nổi miền Tây trớt quớt. Nhìn hình ảnh những dĩa cá linh với bông điên điển của vài người bạn ở Ô Môn (Cần Thơ) đăng trên Facebook vừa thèm, vừa buồn… vì ít quá!
Tôi cùng nhiều người bạn, già có trẻ có rượt theo con cá linh từ Cần Thơ đến Vàm Nao cả trăm cây số, chỉ mua được mớ cá linh non ở một chợ nhỏ tại Long Xuyên. Sợ đường xa cá không đủ tươi, ghé qua quán Nhi ở Ô Môn, nhờ làm giúp. Không tìm ra miếng rau điên điển nào. Thôi đành “thị vô thập toàn”, có cá linh là may lắm rồi.
Bữa trưa, ngồi khề khà bên cái lẩu cá linh ở quê sao mà yên ả. Có ông bạn ở Mỹ về, thấy cá linh như muốn khóc thét lên vì thương nhớ. Cá linh nấu với cà chua là đủ ngọt – chua nước. Phải húp cỡ nửa chén mới đã cái vị cá linh và vị chua thôn dã. Có lẽ vì vậy mà một ông nhà văn gốc Bắc cho rằng các món bún có nước không ai múc nước mà húp bao giờ; chỉ có bưng mà húp từ đầu cho đến khi hết tô. Múc là ngoại lai, là không biết ăn. Thoạt nghe thấy cũng kỳ kỳ, nhưng có húp rồi mới tận hưởng được cái thú của húp. Lại nữa, các loại rau tạo hương trong lẫu hoàn toàn được hái ngoài vườn nhà trồng bỏ thí. Nhất là ngò gai. Còn ngò gai về đến Sài Gòn lá to đùng, lượng nhiều nhưng chẳng thơm chút nào.
Bữa trưa còn có những món ăn quê, bù cho cái món cá linh luôn luôn thiếu. Những con cá trê chiên ngập dầu hôm đó chấm mắm gừng ngon không kém. Lâu nay ngại ăn cá trê, vì e rằng nó được nuôi chăm sóc trên mức bình thường để tối ưu lợi nhuận. Cá trê vàng này ít béo, nhưng gặp nước mắm gừng như tình “cá nước gặp nhau”, chấm mắm cắn từng miếng lớn, đã gì đâu!
Vạn Giã