Một ông anh bất ngờ hỏi: “Chú đã ăn canh rau chua chưa?” Tôi lắc đầu: “Chưa biết mặt rau chua bao giờ”. “Canh rau chua thanh lắm, thanh hơn canh me”. “Bán ở đâu?”. “Anh mới từ Lagi về. Mưa rau chua mọc dại sau vườn nhà anh nhiều lắm. Cô em cắt ra chợ bán được mấy triệu”…
Sau đoạn đối thoại theo kiểu của người già, tôi hỏi thăm Google, mới biết rau chua còn gọi là rau bụp giấm. Nó thuộc dòng đay khai thác sợi từ thân, còn có tên là đay vông vang, đay Nhật. Nhưng bông của nó hoàn toàn khác thứ hoa hoàng quỳ có tên vông vang trong tiểu thuyết Đỗ Tốn. Hồi mới đọc, một đứa bạn trong lớp hỏi: “Mày có biết hoa vông vang là hoa gì không. Tao muốn lấy tên đó làm bút danh, lỡ nó như hoa cứt lợn thì thấy mẹ!”.
Bụp giấm cho ra một loại hoa đỏ mà có thời các chợ đặt cho nó cái tên a-ti-sô đỏ để nâng giá, không ngoài ý xí gạt mấy bà cả tin. Rồi còn được báo chí chính thống “tiền hô hậu ủng” thứ a-ti-sô giả mạo này nữa…
Có lần tôi đã mua bông bụp giấm về ngâm rượu lấy màu. Nhưng lá chưa ăn bao giờ. Nghe nói vậy, mới ra chợ Bàn Cờ kiếm. Chẳng bà bán rau nào biết rau chua có tên là bụp giấm. May sao ông bạn Diệu Thùy có dịp về Bến Tre, tôi năn nỉ rán kiếm cho mớ lá bụp giấm. Sáng hôm sau thức dậy muộn, nghe điện gọi báo, “gọi cửa không được, điện không nghe, em quăng bó rau vào sân rồi đó”.
Chợ Thái Bình cá lóc đồng con nhỉnh hơn ba ngón tay – nhỏ nhất trong số cá lóc đồng, giá 30.000đồng/ con. Chợ này, chỉ có một sạp có một chị chuyên bán hàng đồng. Giá bao giờ cũng cao hơn “hàng đồng mà hổng đồng” với 30.000 đồng có thể mua con cá lóc chà bá lửa loại “đồng” gì đó.
Thử và sai, tô canh chua rau giấm hôm đó hơi quá đô chua vẫn ăn trọn vẹn. Chất chua thấm vào thịt cá, chấm với nước mắm đồng dầm ớt vừa ngọt, vừa chua, vừa mặn thơm mùi mắm. Rau chua cũng có vị chua riêng của nó. Bỏ vào nồi nước sôi là “mùa thu ngay lập tức trở lại”. Lá vàng úa. Nước có hương vị riêng hơi hắt, còn lá nhơn nhớt và chua. Không thể nào dịu hơn đọt me như ông anh nói. Hôm rồi về quê, tôi được hạnh ăn tô canh chua cá dò nấu đọt me, hương vị ám lại còn nóng hổi, nên không sợ nói sai.
Ngữ Yên