Vịt cà cuống có đẻ trứng vịt cà cuống?

Ăn thịt vịt, trứng vịt, trứng vịt lộn, tiết canh vịt mòn răng mà gần đây tôi mới biết có giống vịt cà cuống. Chạy ra chợ tìm, chỉ thấy trứng vịt cà cuống vỏ có màu xanh lơ lơ. Hỏi trên Facebook, chẳng mấy người rành giống vịt này.

Hồ Trường An là nhà văn viết nhiều về các món ăn Nam bộ, cách nấu các món ăn có khi đến chi tiết. “Ông thạo tâm lý phụ nữ, rành việc bếp núc, biết đủ cách chế biến, nêm nấu các món ăn như một bà nội trợ cừ khôi”(1). Những sự tinh tế đó, cũng như cách các nhân vật nói, chửi “truyện”, ít nhiều có tính biền ngẫu, rặt phong cách Nam bộ như ông tổ Hồ Biểu Chánh, có lẽ nhờ ông, như tự thú, là cây viết “gay”!

Tìm trong văn chương

Khi đọc ông tôi mới biết đến xứ mình có một loại vịt gọi là vịt cà cuống. Ta hãy xem những lần ông nhắc đến loại vịt này:

Có thể đây là vịt cà cuống

“Gặp dịp, bà hội ðồng Giỏi xách giỏ qua Ðạo Thạnh để coi hát. Bà vốn rộng rãi trong việc biếu xén quà cáp: vịt cà cuống cả cặp”(2). “Cô Năm Lan tuy chửi chồng giòn rụm, hăm he chồng ớn óc như vậy nhưng sau một đêm được chồng yêu đương mặn nồng, liền thỏ thẻ: “Em nuôi cặp gà mái tơ và mấy con vịt cà cuống để dành ăn Tết tới mồng mười”(3). “Hôm sau thầy Mười Khói xách dù đến Cầu Đào dự tiệc. Vì có cậu Hai Luyện về nghỉ cuối tuần nên bà Bang biện cho làm thêm con vịt cà cuống để nấu cháo”(4)… Bối cảnh những trích đoạn ở trên là nhiều nơi ở Nam bộ vào 30 năm đầu thế kỷ 20. Không gian tiểu thuyết của ông lấy xứ Vãng, tức Vĩnh Long quê cha.

Cách viết của ông cho thấy vịt cà cuống là loại vịt để ăn thịt. Loại vịt thịt ngon, thường dùng làm quà biếu. Tôi ra chợ hỏi những người bán vịt, không ai biết vịt cà cuống thế nào. Họ chỉ phân biệt vịt cỏ, vịt siêu thịt và vịt xiêm. Google không giúp gì nhiều. Ngay cả bài viết bằng tiếng Anh của TS. Bùi Xuân Mến (ĐH Cần Thơ) cũng chỉ cho biết “vịt chạy đồng là giống “Tau” or “Co”. Không có miếng tên khoa học nào.

Vào thời gian diễn ra các câu chuyện mà Hồ Trường An viết, vịt cỏ chiếm một tỉ trọng cao trong tổng đàn vịt thời bấy giờ ở ĐBSCL. Mà vịt cỏ có lông không thuần nhất. Một số lớn có màu nâu xen lẫn màu nhạt, gọi là vịt “cà cuống”(5).

Tôi cho rằng vịt cà cuống trong truyện của Hồ Trường An là loại vịt cỏ lông màu nâu xen lẫn màu nhạt. Hiện nay không còn ai phân biệt vịt lông nâu rằn (từng được gọi là vịt cà cuống) đang bán đầy ngoài chợ với vịt lông trắng.

Trứng vịt cà cuống

Còn ngoài chợ vẫn còn loại trứng vịt có tên là “trứng vịt cà cuống” có vỏ màu xanh lơ lơ, phân biệt với trứng vịt có vỏ màu trắng. Trên bao bì trứng vịt cà cuống, nhà sản xuất ghi: ‘tròng đỏ lớn, tròng trắng dai’. Giá bán cao hơn, 4.250 đồng/ trứng so với trứng vỏ trắng 2.500 đồng/trứng?

Trứng vịt cà cuống được quảng cáo “lòng trắng dai, lòng đỏ lớn”!

Không giống như gà giống nào cho trứng có vỏ màu cố định. Ở vịt khác, cùng một giống có con đẻ trứng xanh lơ trong khi một số con lại đẻ trứng trắng. Điều này liên quan đến gen và thời gian giống vịt đó được chuẩn hóa “cà cuống” trong bao nhiêu lâu. Cái cớ sự màu xanh và trắng của vỏ trứng vịt là một câu chuyện dài khá thú vị.

Luộc xong, trứng cà cuống cũng y chang… cà chớn!

Trong con vịt có hai sắc tố đảm đương chuyện “tô màu” cho vỏ trứng. Đó là biliverdin, một sắc tố xanh lá và protoporphyrin, một sắc tố cho vỏ trắng. Nếu sắc tố trước trội hơn, vịt sẽ đẻ trứng tỷ lệ vỏ màu xanh nhiều hơn. Nói chung, vịt cà cuống vẫn đẻ cùng lúc trứng vỏ xanh và vỏ trắng. Nên cho rằng trứng xanh “bổ béo” hơn trứng trắng để hét giá gần gấp đôi trứng trắng là người mua bị thuốc rồi đó! Vậy mà bao đời nay nhiều người vẫn tin…

Vạn Giã

————————————–

(1) Thụy Khuê, Hồ Trường An, giọng Nam, hồn Việt 

(2) Hồ Trường An, Đêm xuân chị em thỏ thẻ, truyện ngắn, trong tập Gả thiếp về vườn.

(3) Hồ Trường An, Một thuở xuân như ý, truyện ngắn, trong tập Gả thiếp về vườn.

(4) Hồ Trường An, Bãi gió cồn trăng.

(5) https://sites.google.com/site/channuoigiacam/giong-gia-cam/giong-vit-noi/vitco

Có thể bạn quan tâm: