Xuyên đêm về miền cao nguyên…

Đã hơn 20 năm, năm nào cũng vậy, cứ đến 27, 28 tháng Chạp, bến xe miền Đông chật kín người. Đông nhất là dân miền Trung duyên hải. Thứ đến là dân miền cao nguyên, từ Đak Nông cho đến Kon Tum. Ấy là nói chuyện của những năm trước.

Từng nhóm xuyên đêm về miền cao nguyên. Xa nhất là về Kon Tum

Còn những ngày cuối năm Kỷ Hợi (2019), bến xe miền Đông thưa vắng người, ít hơn cả những kỳ nghỉ lễ giữa năm. Chuyện đi xe hai bánh từ Sài Gòn về Ban Mê, Pleiku… đâu có gì lạ nhưng lần đầu tiên được nhìn thấy hàng ngàn chiếc xe “xuyên đêm về miền cao nguyên”. Một chút hoang mang…

1.

Tối 28 tháng Chạp. Tôi về Pleiku bằng chuyến xe đò đặt vé trước từ hồi cuối tháng 11. Hỏi chuyện về việc năm nay vì sao khách không bằng năm ngoái, ông Hiếu, tài xế của hãng xe Hồng Hải chạy tuyến Sài Gòn – Pleiku cười: “Chút nữa trên đường anh sẽ biết vì sao năm nay khách đi tuyến Sài Gòn – Ban Mê Thuột, Pleiku và Kon Tum ít hơn năm ngoái”.

Sài Gòn – Ban Mê… có khoảng cách 360km

19 giờ. Chuyến xe tài 5 của Hồng Hải rời bến. Vừa vào địa phận tỉnh Bình Dương đã thấy những chiếc xe 2 bánh nối đuôi nhau chạy cùng hướng trên quốc lộ 13. Dễ nhận ra đó là những chiếc xe đi về quê ở các tỉnh cao nguyên với các biển số: 48… – Dak Nông, 47… – Ban Mê, 81… – tôi quen gọi là Pleiku và 82… – Kon Tum. Khi chiếc xe đò rẽ vào quốc lộ 14, còn bắt gặp hàng trăm chiếc xe mang biển số 78… – Phú Yên chạy trên quốc lộ 14. Hiếu cho biết, đó là những khách quê ở Sông Hinh, Củng Sơn… “Tới Ban Mê Thuột, họ theo quốc lộ 26, gần tới M’Drak rẽ trái theo con đường mới mở về các huyện miền núi của Tuy Hòa. Giờ nhiều xe khách Sài Gòn – Phú Yên cũng theo đường đó. Đường ngon nhưng vắng dân”, ông Hiếu giải thích.

2.

Họ là những người trẻ trong hành trình xuyên đêm về miền cao nguyên. Chỉ có người trẻ mới đủ sức cầm lái qua khoảng cách, gần nhất là Dak Nông – 216km, đến Ban Mê chừng 360km, về Pleiku – 560km… Chạy quãng đường như vậy, cần có sức khỏe và “tay lái lụa” vượt qua những đoạn đường quanh co trên quốc lộ 14 như đoạn qua thị xã Gia Nghĩa (Dak Nông) hay “đèo” Hà Lan (Dak Lak)… Trẻ mới đủ sức chống được cái lạnh khi ngồi trên xe máy chạy xuyên đêm trong nhiệt độ của những ngày tháng cuối năm từ 10 – 13 độ C. Trẻ mới đủ tinh mắt để tránh ánh sáng đèn của những chiếc xe khách trống rỗng chạy ngược chiều vội vã để kịp đón khách…

Sài Gòn cách Pleiku… 580km

Mỗi chiếc xe thường có hai người. Có thể là vợ chồng, bạn yêu… Trang phục như những “ninja”. Phía sau và trước xe là những túi đồ được ràng cẩn thận. Trong suốt hành trình từ quốc lộ 13 tới ngã tư Sở Sao, còn đếm được chừng 10 chiếc xe có chở theo em bé vì đôi bàn chân bé xíu lộ ra… Có chiếc xe mang biển số 47 còn chở em bé được bà mẹ ẵm trên tay.

3.

Từng nhóm chừng chục chiếc nối đuôi nhau. Họ đi từng nhóm để dễ dàng giúp nhau khi xe có sự cố dù bây giờ đã có điện thoại di động. Qua ngã tư Sở Sao, cả vài trăm xe dừng lại để nghỉ. Có nhóm ăn tối. Có nhóm nhấm nháp ly cà phê. Hiếu cho xe chạy chậm để tôi có dịp quan sát cuộc hành trình xuyên đêm qua miền cao nguyên của hàng ngàn người mà lần đầu tiên tôi được nhìn thấy. Hiếu kể: “Lúc sáng, tôi quay đầu xe từ Pleiku xuống Sài Gòn, tới đoạn Bình Phước là đã thấy hàng ngàn chiếc xe máy về các tỉnh cao nguyên. Đông nhất là dân Ban Mê. Rồi Pleiku… Lạ thiệt, hơn 20 năm chạy tuyến này chưa bao giờ nhìn thấy cảnh đó”.

Gia đình quê Ban Mê nghỉ chân ở Bù Đốp để cô con gái nhỏ ăn tối…

23 giờ. Tới trạm dừng chân Bù Đăng (Bù Đăng, Bình Phước). Cái lạnh bắt đầu len lỏi, ngấm vào da thịt. Đã thấy hàng trăm chiếc xe dừng lại ở đó để đổ xăng, tranh thủ nghỉ tay đỡ mỏi và lạnh. Một cặp vợ chồng vào tuổi trung niên với cô con gái chừng tuổi trăng rằm đang ăn bánh mì! Lân la hỏi chuyện, anh chồng cho biết, từ Q.9 (TP.HCM) cả nhà xuất phát vào lúc 5 giờ chiều. “Giờ tới đây, thấy đói nên tranh thủ ăn để có sức chạy tiếp. Chắc tới nhà chừng 2 – 3 giờ sáng”, anh chồng nói. Không hỏi địa chỉ, nhìn thấy biển số xe 47… biết quê của họ ở Ban Mê.

4.

Nhóm trẻ dừng lại sưởi ấm trên đường

3 giờ sáng ngày 29 tháng Chạp. Chiếc xe khách dừng lại một cây xăng ở huyện Ia H’Leo (Ban Mê) để thay tài. Cách đó không xa là một đống lửa hừng hực. Chừng chục bạn trẻ đứng xung quanh để hơ nóng người. Toàn là xe biển số 81 và 82. Một bạn trẻ cho biết, cả nhóm là bạn với nhau, đã đi làm, lần đầu tiên tổ chức chuyến xuyên đêm về quê ăn tết. “Chú tính coi, 1 vé về tới Pleiku là 500.000 đồng, cộng thêm tiền gởi chiếc xe là 800.000 đồng. Nếu 2 người, mất gần 2 triệu đồng. Đó là chuyến đi. Nếu tính cả chuyến về… Bạn bè đi chung vui hơn. Có mệt nhưng trẻ mà, tới nhà ngủ một giấc là lấy lại sức thôi”, một bạn trẻ nói. Nhìn qua ánh sáng của đống lửa, không thấy vẻ mệt mỏi gì trên gương mặt họ. Trẻ mà… Với nhóm trẻ này, quãng đường còn lại chừng 200 cây số. Thêm vài lần nghỉ, chừng 7 – 8 giờ sáng là  đã ở nhà. Nhiều bạn trẻ cười, khi quay vào Sài Gòn, họ sẽ “xuyên ngày” để có dịp chụp hình!

Quốc lộ 14 xuyên qua nhiều tỉnh của miền cao nguyên…

Hùng, Hương và cô con gái (quê ở Chư Sê, Gia Lai) cũng tính như vậy. Chi phí cho đoạn đường 520km từ Sài Gòn về tới Chư Sê, tính tiền xăng, cà phê… chừng 600.000 đồng. Coi như họ tiết kiệm được 1,8 triệu đồng! Đó là phần của lượt đi. Còn lượt về nữa. Hùng cho biết, tối mồng 5 tháng Giêng, vợ chồng anh sẽ quay lại Sài Gòn trên chiếc xe hai bánh.

Từ khi xe lăn bánh ở Sài Gòn cho tới Pleiku, không thấy điều xấu nào. Mừng thiệt!

Bài và ảnh: Song Minh

Có thể bạn quan tâm: