Thiết kế hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại cho bệnh viện dã chiến trong 22 ngày

Đó là bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 vừa đi vào hoạt động tại Yên Sở (Q. Hoàng Mai, Hà Nội).

Tại bệnh viện dã chiến Yên Sở với mục tiêu “không tiếp xúc – không giấy tờ – không film”, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) do Viettel thiết kế, triển khai cho phép theo dõi, hội chẩn người bệnh từ xa mà không phải tiếp xúc. Đặc biệt, thời gian lắp đặt hệ thống tại bệnh viện này chỉ trong 22 ngày, bằng 1/3 thời gian lắp đặt thông thường trước đây.

Toàn bộ hạ tầng CNTT của bệnh viện dã chiến Yên Sở (Hà Nội) được thiết kế trong 22 ngày! Ảnh: DiLi

Đại diện Viettel cho biết, các hạng mục tại bệnh viện dã chiến Yên Sở gồm có: 400 camera, 200 trạm phát sóng wi-fi, 18 bộ Tele-ICU, 2 bộ hội chẩn Telehealth, 90 máy tính, máy in, máy quét barcode…

Với thiết kế thực hiện mục tiêu “không tiếp xúc – không giấy tờ – không film”, các thiết bị theo dõi và hội chẩn từ xa bệnh nhân hồi sức tích cực (Tele-ICU) được Viettel đặt tại 18 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, được kết nối trực tiếp với hệ thống quản lý bệnh viện, cập nhật dữ liệu sức khoẻ, hình ảnh phim chụp của bệnh nhân đến khu chẩn đoán. 400 camera giám sát giúp lực lượng y bác sĩ theo dõi hoạt động và tình trạng bệnh nhân tại 500 giường bệnh.

Bệnh viện dã chiến Yên Sở còn được kết nối vào hệ thống tư vấn, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Viettel triển khai trên toàn quốc. Thông qua hệ thống này, các bệnh nhân Covid-19 nặng sẽ được các bác sĩ bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cứu chữa mà không phải chuyển tuyến.

Đến nay Viettel đã hỗ trợ trực tiếp hơn 500 tỷ đồng, trong đó có 450 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng Covid-19, 16 tỷ đồng ủng hộ các nỗ lực phòng, chống dịch tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Với hai chương trình thiện nguyện: “Trạm hạnh phúc – Chạm yêu thương” và “Tấm lòng mùa dịch – San sẻ yêu thương”, Viettel còn chuyển hơn 400 nghìn phần lương thực, nhu yếu phẩm giúp các gia đình gặp khó khăn trên toàn quốc.

Vân Khôi

Có thể bạn quan tâm: