Thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam vừa ghi nhận “tiền di động”, gọi cho sang là Mobile money, chuẩn bị nhỏ giọt vào dòng chảy đồng tiền trên thị trường. Lý thuyết nghe hay lắm nên nhiều năm qua, các nhà khai thác dịch vụ viễn thông mong ngóng chờ ngày được cấp giấy phép về loại tiền này.
Tưởng rằng ngon…
Mobile money là gì mà các nhà mạng di động hào hứng đến vậy? Thay vì mở tài khoản ngân hàng hay ví điện tử, chủ các thuê bao di động đến các điểm giao dịch của mạng đó, rồi nộp tiền vào số thuê bao đó, sau đó dùng số tiền này để trả các dịch vụ công: y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội…; chuyển tiền đến tài khoản khác, trả tiền hàng hóa với giá trị nhỏ… Trong giai đoạn thử nghiệm, số tiền mà chủ thuê bao được xài với dịch vụ Mobile money không quá 10 triệu đồng/ tháng.
Về lý thuyết, dịch vụ Mobile money có lợi cho người tiêu dùng ở vùng sâu vùng xa, nơi mà các dịch vụ tài chính “sang chảnh đô thị” không với tới. Đại diện VinaPhone còn cho rằng, “Mobile money là điều kiện cần để các doanh nghiệp viễn thông kết nối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ… để cùng nhau thúc đẩy xã hội không xài tiền mặt”. Hợp lý lắm. Hay lắm. Cứ tụng niệm “Mobile money là chìa khóa để người dân quê mở cánh cửa bước vào xã hội hiện đại”!
Nhìn ra thế giới, dịch vụ Mobile money đang “ăn nên làm ra”! Dù thông tin đã quá cũ từ hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA) thống kê, vào đầu năm 2020, Mobile money có mặt tại 95 quốc gia với 1,04 tỷ tài khoản, số lượng giao dịch của năm 2019 là 37,1 tỷ với tổng giá trị 690,1 tỷ USD. Theo cách “đếm cua trong lỗ”, từ 2021 – 2024, dịch vụ này tăng trưởng bình quân 28,7%/ năm.
Hôm 18.11.2021, MobiFone và VinaPhone đã được cấp quyền thử nghiệm dịch vụ này trong 2 năm. Không thấy có tên Viettel, dù hiện là nhà mạng số 1 Việt Nam về lượng thuê bao và các dịch vụ “ăn theo”! Lạ lắm. Có nguồn tin nói rằng, Viettel đã nộp bộ hồ sơ dày cộm với nhiều thông tin chi tiết xoay quanh dịch vụ Mobile money cùng với việc đã có nhiều nền tảng tài chính như Viettel Pay, Viettel++ nhưng không hiểu sao đến giờ này vẫn chưa thấy tên trong tờ giấy phép con con kia. Hỏi nhiều người, chẳng ai trả lời cho “lọt lỗ tai” chuyện này. Hay là Viettel nhìn thấy trước dịch vụ này “cứng như xương ngoại” nên không tham gia cuộc chơi này?
Làm sao sống được ở quê?
Các nhà mạng xác định Mobile money là loại hình dịch vụ tài chính dành cho người tiêu dùng ở những miền quê xa. Họ thừa biết không thể “chen chân” ở thị trấn, nói gì đến thị xã, thành phố… Giống như câu chuyện đầu tư mạng 5G chỉ xuất hiện ở những đô thị lớn!
Với đối tượng tiêu dùng như vậy sẽ rất khó sử dụng dịch vụ Mobile money vì thói quen mua sắm – tiêu dùng chỉ thích xài tiền mặt trong chi tiêu hằng ngày, kể cả trả tiền cho những dịch vụ công như điện, học phí…; mặt khác, chưa có các đối tác chấp nhận trả tiền bằng Mobile money, còn các ngân hàng cho nhân viên đến tận thôn xóm khuyến khích người dân mở tài khoản, xài thẻ ATM…
Tại hội thảo chủ đề không tiền mặt vừa tổ chức hôm qua, 19.11.2021, ông Phùng Duy Khương, phó tổng giám đốc khối khách hàng cá nhân (VPBank) cho biết, tỉ lệ sử dụng dịch vụ Mobile banking đã tăng từ 42% của năm 2019 lên 70% trong hai năm 2020-2021. Cũng tại hội thảo trên, trong một khảo sát 6.200 người tại các quốc gia Singapore, Việt Nam, “78% người được hỏi cho biết sẽ sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số với hai loại hình: ví điện tử chiếm 70% và thẻ không tiếp xúc là 65%”, bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa Việt Nam và Lào chia sẻ.
Thử hỏi, thực tế như vậy, làm sao dịch vụ Mobile money có thể tồn tại trên mảnh đất quê “nhiều ma hơn người”? Bà H.T, hiện đang làm việc tại một ngân hàng nói với Di Động Việt Nam rằng, “chưa nhìn thấy tia sáng nào cho dịch vụ Mobile money”. Bà chia sẻ thêm, tại hội thảo về không tiền mặt vừa qua, không thấy nhà mạng nào xuất hiện để nói về Mobile money với cộng đồng. Không có gì để nói hay là sợ các đối thủ nhận ra những điểm yếu của dịch vụ này. Thà đừng nói để thiên hạ còn chút nghi ngờ về những điểm yếu, điểm mạnh của dịch vụ này.
Theo góc nhìn của Di Động Việt Nam, các nhà mạng cần có những cuộc khảo sát khách hàng đang xài mạng của mình về dịch vụ Mobile money trước khi háo hức làm hồ sơ, hoan hỉ khi nhận được giấy phép (dù là thử nghiệm) để tìm ra những cách tiếp cận phù hợp với sự hiểu biết và tâm lý tiêu dùng của tập khách hàng đặc biệt này.
Tiên đoán, chẳng mấy người dân quê thích thú xài dịch vụ Mobile money! Để mà coi…
Hoàng Yến