Viết từ thành phố lockdown

Là tựa quyển sách mới nhất của nhà văn Trần Nhã Thụy và bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh. Họ viết từ trái tim chân thành nhưng cũng đầy đau đớn về mảnh đất có tên Sài Gòn trong những tháng ngày “lockdown” với nhận xét: “…Có lẽ chưa bao giờ buồn đến thế. Buồn tàn canh gió lạnh”. Di Động Việt Nam hân hạnh giới thiệu bài viết của nhà văn Nhã Thụy về Viết từ thành phố lockdown.

Tác phẩm mới của nhà văn Trần Nhã Thụy và bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh. Ảnh: Nhã Thụy

Những ngày cuối tháng Năm đầu tháng Sáu (năm 2021) gia đình của chúng tôi đang ở Bà Rịa chuẩn bị thu xếp cho một kỳ nghỉ hè. Nhưng rồi tin tức những ca mắc Covid – 19 ở Sài Gòn bùng lên, gieo bao nỗi hoang mang tới tận một vùng quê yên bình. 

Chúng tôi quyết định trở lại Sài Gòn vào một ngày mà thành phố đã bắt đầu dựng lên các chốt chặn ngoài đường. Quyết định trở về này xuất phát từ linh cảm: đợt dịch lần này sẽ rất nặng và kéo dài. Chúng tôi phải trở về cho cậu con trai lớn chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Nếu ở Bà Rịa, có nguy cơ mắc kẹt luôn lại đó. 

Hôm đó, khi chúng tôi quyết định về nhà, các chuyến xe khách từ Bà Rịa về Sài Gòn cũng ngừng hoạt động. Một chiếc Grab car “mối quen” từ Sài Gòn xuống Bà Rịa đón trong thắc thỏm, lo âu. Nhưng, ơn trời, chúng tôi về tới nhà an toàn. 

Rồi những gì xảy ra ở Sài Gòn trong những tháng tiếp theo, mọi người đã biết. Dịch Covid – 19 thực sự đã trở thành đại dịch ở Sài Gòn vào những ngày tháng Tám, khi số ca nhiễm vọt lên con số 100.000 người. Cũng trong những ngày tháng Tám, Sài Gòn từ một đô thị đông đúc, sôi động suốt ngày đêm, trở thành một thành phố vắng lặng đến nghẹt thở.

Hãy tua lại những thước phim của những ngày tháng Tám. 

Nhà nào ở yên nhà nấy, cửa đóng then cài. Từng khu phố phong tỏa. Hàng rào, chốt chặn dựng lên khắp nơi. Thành phố giới nghiêm từ lúc 18 giờ tối, giờ mà bình thường nhiều người Sài Gòn chưa kịp rời công sở về nhà. 

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh những con đường Sài Gòn những ngày tháng Tám. Ban ngày, nếu như thoát khỏi tâm trạng bức bối, nhìn đời với một chút lạc quan, những con đường Sài Gòn đẹp với một vẻ thanh bình hiếm có. Nhưng ban đêm, dẫu đẹp vẫn khiến ta cảm thấy đau lòng. Không một bóng người. Trôi trên những con đường thăm thẳm đèn vàng ấy là bóng dáng những chiếc xe nhà thương. Trôi im lìm, không còi hụ, vô thanh nhưng ám ảnh. 

Thành phố phong tỏa. Giới nghiêm lúc chạng vạng. Không hàng quán. Đèn bảng hiệu tắt im lìm. Lúc này, chỉ còn duy nhất bảng hiệu của trại hòm, các cơ sở mai táng, họ vẫn tận tụy làm công việc của mình.

Tôi vẫn nhớ một ngày nào đó của tháng Tám. Buổi sớm tôi rời nhà, trình báo nghiêm cẩn ở chốt chặn khu phố, xong ra đường. Phía trước, phía sau không một bóng người. Chợt từ phía sau tôi một đoàn người xe gắn máy lặng lẽ vượt lên. Họ là những người đàn ông trẻ tuổi, áo trắng, quần đen chỉnh tề. Trên lưng người nào cũng đeo một cái túi đen, thoạt nhìn như những người vừa đi đánh tennis về. Nhưng không phải. Nhìn kỹ, thì thấy đó là những người trong đội tang lễ, gọi là phường bát âm. Tôi thoáng khựng lại, định lấy điện thoại chụp một tấm hình tư liệu, nhưng nghĩ sao lại thôi. Bóng của những người trong phường bát âm khuất dần cuối đường. Hình ảnh này, tôi gặp lại thêm một vài lần nữa, cũng vào sáng sớm, trong thành phố vắng lặng. 

Tác phẩm Viết về thành phố lockdow của Trần Nhã Thụy và Nguyễn Ngọc Anh

Thực ra thành phố này chưa bao giờ vắng lặng. 

Ngoài phố thưa vắng, nhưng đông đảo và dồn lấn trong những khu nhà trọ. Đói khổ và kêu than thống thiết trong những hẻm nghèo. Cũng một buổi chiều nào đó của tháng Tám, trên đường vội về nhà, lúc ngang qua Hàng Xanh, nhìn vào một con hẻm, thấy một người đàn bà tiều tụy, đầu tóc xác xơ, đeo cái khẩu trang màu xanh nhàu nát, đứng trước một hàng rào giăng dây phất phơ, mở to ánh mắt nhìn ra đường. Ánh mắt như trông ngóng, như cầu xin. Ánh mắt buồn tê tái. Chết lặng. 

Thành phố này, có lẽ chưa bao giờ buồn đến thế. Buồn tàn canh gió lạnh. 

Lúc này, tín hiệu của sự sống hay nhận diện của sự hợp pháp là những “Người Xanh”. Đó là trang phục của các nhân viên y tế, đội ngũ tình nguyện viên. Bộ trang phục trùm kín từ đầu tới chân, những ngày qua trở nên bình thường, thậm chí quá đỗi thân thương. Chưa bao giờ hình dung cảnh trong thành phố lúc này là hình bóng của những Người Xanh. Chỉ có Người Xanh là dấu chỉ di chuyển hợp pháp trong thành phố.  

Nghĩ hay viết về những ngày Sài Gòn trong đại dịch, không thể không nói tới đội ngũ y bác sĩ, những người ngày đêm miệt mài chống dịch, cứu người. 

Khi nghe bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh – một người anh đồng hương Quảng Ngãi nói viết chung cuốn sách, tôi không do dự gì mà đồng ý cái rụp. Viết từ thành phố lockdown, không chỉ cần những góc nhìn hiện thực xã hội, mà còn phải có những quan sát, phân tích, bình luận về dịch bệnh. Những góc nhìn đa chiều, vừa xã hội vừa khoa học, sẽ giúp chúng ta ghi nhận câu chuyện và đánh giá vấn đề một cách thấu đáo, khách quan hơn. 

Tuy không trực tiếp tham gia điều trị Covid, nhưng làm công việc tiêm vắc xin suốt mấy tháng liền, Nguyễn Ngọc Anh hoàn toàn có những trải nghiệm của một người trong cuộc. 

Thế là cùng với tác giả Miền nước chảy ngược (tên một cuốn tự truyện khá ấn tượng của bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh), tôi vừa làm công việc thiện nguyện của nhóm Trụ Lại Sài Gòn, vừa viết.   

Không có tham vọng đưa ra cái nhìn hay bình luận toàn cảnh về đại dịch Covid – 19. Tập sách là những góc nhìn của người có thể nói là trong cuộc với những trải nghiệm cá nhân ở những thời khắc vô cùng đặc biệt. Tôi cảm động và cảm ơn bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh đã cùng viết chung một cuốn sách, thực hiện một dự án thiện nguyện vì cộng đồng. 

Viết từ thành phố lockdown, là viết từ nơi đã cưu mang mình suốt từ thời tuổi trẻ đến giờ. Thành phố lockdown. Chúng tôi đã bàn với nhau rất nhiều về nhan đề cuốn sách. Nhưng cuối cùng, xét thấy không có tựa nào khả dĩ hơn. Một thành phố bị đóng lại. Một thành phố bị những cơn lốc kinh hoàng quét qua.  

Viết từ thành phố lockdown, là viết từ trái tim chân thành nhưng cũng đầy đau đớn. 

Qua những đau thương mất mát, chúng ta có cơ hội thức tỉnh, cấu trúc lại tư duy và tái tạo năng lượng mới, mạnh mẽ và nhân văn hơn.

Xin cảm ơn tất cả mọi người. 

Trần Nhã Thụy 

Sài Gòn, 1/11/2021

Có thể bạn quan tâm: