Là phần việc mới của Ninja Van trong năm 2022 sau khi đã thử nghiệm những chuyến xe “Kết nối nông dân chuyên chở nông sản” từ miệt vườn về các đô thị trong thời dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh miền Tây vừa qua, ông Lê Văn Quốc Khánh, giám đốc vận hành Ninja Van Việt Nam cho biết như vậy.
Ông Khánh kể, từ những bản tin thị trường “Giải cứu nông sản Việt” trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 không thể xuất khẩu và tiêu thụ, tháng 7.2021, Ninja Van thử nghiệm “giải cứu” khoai lang tím, bưởi, cam sành Vĩnh Long… làm quà tặng cho nhân viên. Từ những chuyến xe “giải cứu nông sản” mang tính thử nghiệm này, những “ông chủ trẻ” của Ninja Van Việt Nam có suy nghĩ “muốn đồng hành cùng nông dân, vận chuyển nông sản đến tận tay người tiêu dùng với thời gian nhanh nhất, chi phí vận chuyển rẻ nhất, hàng hóa ít bị bầm dập…”.
Ở tầm nhìn lớn hơn, xa hơn…, “Ninja Van mong muốn nông sản Việt có nhiều cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng hơn với giá cả hợp lý; còn nông dân tự chủ hơn trong việc phân phối hàng hóa, không còn phụ thuộc thương lái, chuyển đổi từ “nhà nông truyền thống” thành “nhà nông hiện đại, biết quản lý, đóng gói, bán lẻ nông sản…”, ông Khánh chia sẻ.
Năm 2022, Ninja Van bắt đầu hoạt động mô hình “kết nối nông sản” tại các tỉnh miền Tây, nơi có số lượng lớn những vườn trái cây, ưu tiên cho những vùng sản xuất có lượng hàng hóa và thị trường tiêu thụ lớn, sản phẩm có giá trị… Trước mắt, Ninja Van hoàn thiện mô hình tại các tỉnh miền Tây, sau đó mở rộng mô hình ra các tỉnh miền Trung, miền Cao nguyên…
Nói với Di Động Việt Nam, với hơn 6.000 đầu xe vận tải các loại, ông Khánh không lo ngại về phương tiện mà là lo lắng mô hình vận hành với tệp hàng hóa mới và nhiều rủi ro vì nông sản dễ hư hỏng, cần đóng gói kỹ và cẩn thận, bảo quản theo nhiệt độ thích hợp, thói quen mua bán nông sản của nông dân… “Với những lý do trên, Ninja Van cần thêm thời gian cho giai đoạn đầu để giúp nông dân điều chỉnh về quy cách đóng gói sản phẩm theo từng loại nông sản để hạn chế tối đa rủi ro cho họ, thời gian chuẩn bị hàng hóa để chuyên chở đúng lịch trình theo hợp đồng đã ký các nhà phân phối tại các đô thị lớn”, ông Khánh cho biết.
Khi vận chuyển nông sản, nhất là trái cây tươi, Ninja Van sẽ thay đổi thời gian nhận hàng. Thay vì “sáng đến vườn nhận hàng, chiều về Sài Gòn”, nay sẽ đổi thành “sáng nhận hàng, trưa đi để chiều nông sản có mặt ở sạp bán lẻ”, hoặc “tăng thêm chuyến xe đi trong đêm để hàng đến nơi vào sáng sớm”.
Ông Khánh “lấy làm tiếc” việc quản lý chất lượng nông sản, từ chứng nhận trồng trọt không thể kiểm soát cho đến bao bì đóng gói còn quá sơ sài, dù là yếu tố quan trọng nhưng nông dân thường bỏ qua, ảnh hưởng đến chất lượng trong khi vận chuyển và giá cả sản phẩm khi lên sạp. Ở góc nhìn này, Ninja Van sẽ liên kết với các đối tác nông nghiệp tư vấn hoặc các tổ chức nhà nước phổ biến phương pháp trồng trọt với những tiêu chuẩn nông sản, đồng thời chuẩn hóa cách đóng gói, phân loại, tạo khung giá nông sản ổn định để giúp quy trình phân loại – vận chuyển – mua bán của nông dân tạo ra giá trị cao hơn.
Ninja Van sẽ có kế hoạch cùng các chuyên gia thương mại điện tử đào tạo miễn phí về thương mại điện tử cho chủ vườn như hướng dẫn những cách tối ưu việc sử dụng các trang mạng xã hội để rao bán, trực tiếp kết nối với nhà buôn sỉ, tương tác với người tiêu dùng cuối… để giúp nông dân lời nhiều hơn, không còn phụ thuộc quá nhiều vào nhóm thương lái trung gian.
Năm 2022, Ninja Van thực hiện chiến lược đầu tư tham vọng hơn vào thị trường Việt Nam trên 3 lĩnh vực: vận hành, hệ thống kĩ thuật và hệ sinh thái cho khách hàng nhỏ và lẻ, trong đó có nông dân và nông sản: trái cây, củ quả… “Ninja Van sẽ “xây mới và cải tiến” các nền tảng ứng dụng thông qua web và thiết bị di động để giúp khách hàng nói chung, nông dân nói riêng không chỉ bán hàng nội địa mà còn giao hàng xuyên biên giới, kết nối nông dân Việt với các nhà cung cấp lớn ở nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới”, Ông Khánh chia sẻ.
Vân Khôi