24.12.1985.
B’Lao. Bảo Lộc. Đồng hồ tay chỉ 5 giờ sáng. Sương mù dày đặc. Định tìm quán cà phê nhưng còn quá sớm. Thị trấn còn ngái ngủ. Chiếc xe than leo ngọn đèo dài còn rải than hồng, đỏ rực mặt đường. Tôi đeo balo đi bộ lững thững trong sương mù. Nhà của N. còn cách 15 cây số, chờ sáng sẽ nhảy xe ôm hay đi nhờ xe nông trường cà phê tìm nhà. Chục ngày trước, N. gởi thư, nhắn “lên tôi đón Giáng sinh”.
N. cũng là dân Bắc di cư thời 54. Sau 75, gia đình đi kinh tế mới Tân Uyên (Sông Bé). Tôi là dân thanh niên xung phong đóng gần đấy. 2 năm sau, N. bỏ về Sài gòn, sau lấy vợ là dân miền Bảo Lộc, về quê vợ trồng cà phê.
Ngôi nhà nhỏ bằng gỗ của N. ở cuối thung lũng, vây quanh là những đồi chè. Con dốc đất đỏ đang mùa quỳ dại vàng rực, hàng rào gỗ của N. trồng trạng nguyên cũng đang màu lá đỏ. Nhiều năm sau, tôi vẫn tự hỏi trạng nguyên báo mùa Giáng sinh hay mùa Giáng sinh thì Trạng nguyên mới đỏ?
Căn phòng nhỏ chỉ kê được một chiếc giường gỗ dành cho tôi nhìn xuống thung lũng sâu hơn, khi sương tan buổi sáng mới hiện ra những sườn đồi chè xanh ngắt. Vợ N người B’Lao, thời “ngăn sông cấm chợ” phải lén đi buôn chút cà phê và chè đường dài, gặp tay tài xế xe hàng thấy cô xinh xắn cho lên buồng lái ngồi. Tưởng người tử tế, hóa ra thằng nham nhở, một tay vô lăng một tay thọc ngực áo cô gái, nếu chống cự tới trạm dọc đường sẽ báo tịch thu đồ chạy chợ của cô. N. ngồi sau, nhìn qua ô cửa nhỏ thấy hết, cả những giọt nước mắt của cô gái. Tới trạm kiểm soát, anh quăng bao hàng của mình ra rồi nói: “Tôi có cà phê, muốn tịch thu cứ lấy”. Nói xong, anh túm cổ áo tay tài xế nện một trận ra trò. Thế rồi quen nhau, không lâu sau họ thành vợ chồng…
“Ông ở đây đón Giáng sinh với vợ chồng tôi một tuần, mười ngày nuôi đủ, còn lâu hơn không thể”, N. nói. Tôi cười: “Tôi cũng phải về với vợ chớ, báo cô vài ngày thôi…”. Đêm mai là 24 Noel, tôi sẽ cùng vợ chồng N. dự thánh lễ ở một nhà thờ nhỏ bằng gỗ trên ngọn đồi gần đấy. Khi ấy khu định cư cũng chỉ mới khởi đầu, dân còn thưa thớt…
Tiệc “reveillon” đêm ấy chỉ có khoai mì luộc, vài con khô và chai rượu gạo đục lờ “rẫy nhà trồng”, N. nói. Chỉ có một thứ hào phóng nhiều hơn tôi hình dung. Dù khép cửa, sương mù vẫn vào nhà, lững thững trôi ngang mặt như những vạt bông gòn nhỏ chạm tay vào được. Bếp lửa nhỏ đào ngay giữa nền nhà rực than hồng, khoai lùi vào đấy, nghe thơm lấy ra. Ly rượu gạo nâng lên “Mừng Chúa giáng sinh”. Nhiều năm sau nữa đấy vẫn là buổi tiệc nửa đêm ấm áp đáng nhớ nhất trong đời tôi.
“Ông có muốn ra con đường hoàng hoa – đường hoa muồng không, nếu muốn, mai sớm ra”. Con đường hoa muồng vàng nổi tiếng của sinh viên Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
Buổi sáng vẫn còn ken chặt mù sương. Tôi kéo cao cổ áo kaki lính lên dốc. Trong sương mù, thỉnh thoảng đột ngột bóng một vài người Thượng đeo gùi hiện ra. Tất cả như đi chậm lại, im lặng như một bộ phim câm…
Đấy là một mùa Giáng sinh nghèo, đúng tinh thần của Chúa. Nhưng những vạt dã quỳ vàng viền dọc hai bên sườn đồi và hàng rào hoa trạng nguyên vào nhà N. là những hình ảnh không dễ tìm ở những nơi khác.
Đỗ