Năm 2021 là thời điểm khó khăn của kinh tế Việt Nam vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Nhưng Viettel (tập đoàn công nghiệp – viễn thông Quân đội) và VNPT (tập đoàn bưu chính và viễn thông Việt Nam) vẫn có lời.
Hôm nay, 7.1.2022, Viettel đã tổng kết hoạt động năm 2021. Theo báo cáo, doanh thu năm 2021 của Viettel là 274.000 tỷ đồng, tăng 3,3%; lợi nhuận đạt 40.100 tỷ đồng, tăng 2%; nộp ngân sách gần 32.000 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 24.12.2021, VNPT đã nhìn lại hoạt động năm 2021. Kết quả, năm 2021, doanh thu của VNPT là 56.605 tỷ đồng, tăng 3,4% kế hoạch; lợi nhuận là 7.103 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ là 5.371 tỷ đồng, tăng 0,3% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước là 5.408 tỷ đồng, tăng 2% kế hoạch.
Nhìn lại năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 hoành hành trong thời gian dài, nhiều tỉnh thành áp dụng chủ trương phong tỏa, dẫn đến sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm ngưng sản xuất, khách hàng cá nhân phải cắt giảm chi tiêu để dồn sức đối phó với dịch bệnh… dẫn đến các dịch vụ, trong đó có lĩnh vực viễn thông rơi vào tình cảnh “ế” hơn so với những năm trước! Nhưng bù lại, cả hai tập đoàn đều tìm nhiều cách để tăng doanh thu, tạo việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động.
Với Viettel, đã có 30 tỉnh thành ký kết thỏa thuận hợp tác với Viettel trong việc ứng dụng công nghệ xây dựng thành phố thông minh, dịch vụ thu phí không dừng ePass đạt 1 triệu khách hàng sau 11 tháng hoạt động, đầu tư viễn thông ở nước ngoài, kinh doanh bán lẻ của Viettel, mạnh nhất là các giải pháp về chuyển đổi số…
Với VNPT, đó là các dự án chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cộng đồng; đảm bảo hệ thống thông tin quốc gia liền mạch…
Trong năm 2021, Viettel tiếp tục giữ vị trí số 1 trong 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Còn VNPT đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng này.
Vân Khôi