Có một chiều ba mươi Tết

Tuổi thơ tôi gắn liền với mảnh đất cuối cùng của đất nước – xứ Cà Mau.

1.

Xứ tôi có nhiều dòng sông, con rạch ngoằn nghoèo, len lỏi giữa đồng năn với hai mùa mặn ngọt. Mùa nước ngọt, những dòng sông trổ đầy bông súng trắng. Dưới sông, trên ruộng là nơi trú ngụ của các loại cá đồng. Chỉ cần vét luồng, thả xuống một tay lưới vài chục thước, sáng ra gỡ đầy rổ cá, nào là lóc, trê, rô… lớn hay nhỏ tùy theo mặt lưới. Gỡ cá xong, nhổ một bó bông súng rồi cặp xuồng vô đám lá dừa nước ven sông ngắt một chùm trái giác là hôm ấy có một nồi canh chua ngon tuyệt vời. Mùa nước mặn, các loại cá đồng ngược về sông Hậu, nhường sông cho các loài tôm, cua, cá phi, cá đối, cá nâu. Khi nước ròng cạn kiệt, chỉ cần nhảy xuống sông dùng hai tay mò một vài giờ có thể bắt được vài ba ký cá.

Bắt cá là đặc sản của xứ miền Tây. Ảnh: A.T

Ba tôi là ngưới sát cá, đặc biệt là cá trê vàng. Ông mê cá trê vàng vì ngon, lại giá cao hơn các loài cá khác. Chuyện đó bắt đầu từ hồi ông ra tù, nợ ba trăm giạ lúa, ông đi cắm câu cá trê vàng hai năm trả xong nợ. Khi truyền nghề cắm câu cho anh Ba, ông giải thích, giữa mênh mông đồng ruộng với nhiều loại cá, phải hiểu đặc tính của từng loại cá để có cách bắt khác nhau.

Cá rô thích ăn cào cào và các loại côn trùng té rớt trên mặt nước; cá lóc thích ăn “mồi chạy” như cá sặc, cá rô con, nhái hoặc cua đồng; cá trê lại dùi cái mỏ xuống bùn, thích ăn trùn nước và các loài côn trùng ẩn trong đáy nước. Ông chỉ, khi cắm câu cá trê, trước tiên là vét một vùng hình lòng chảo giữa bốn góc lúa, lưỡi câu móc mồi trùn, đặt giữa lòng chảo, khi bùn lắng xuống, phủ kín miếng mồi, cá rô cá lóc không phát hiện, chỉ có cá trê đánh hơi mò tới khoảng trống, dùi cái mỏ xuống bùn, gặp miếng mồi, nó nuốt vội vào tận bao tử. Khi đi thăm câu cá trê, phải mang theo cái rổ, cái lưỡi lam và một mớ lưỡi câu cùng với mồi trùn. Cái rổ dùng để xúc cá trê. Cái lưỡi lam để cắt sợi dây câu rồi tóm lại lưỡi câu khác, móc mồi thả xuống y như cũ.

Ba cắm một trăm cần câu, mỗi đêm thăm một lần vào khoảng chín giờ, sáng ra thăm một lần nữa và cuốn câu. Mỗi đêm như vậy ông bắt được hơn một trăm con cá trê vàng, bình quân bốn năm con một ký.

2.

Mẹ đang lui cui làm bánh, ba bảo tôi theo ông đi bắt cá cạn. Ông cầm cái thùng thiếc, loại thùng dầu lửa hiệu con sò đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Lúa mùa sắp chín vàng rực một cánh đồng, chỗ cạn, chỗ khô, chỗ xem xép nước. Mặt đồng lồi lõm, phía sau những gò cao có những ô trũng bằng cái nền nhà, nước đọng lại chừng ngang mắt cá được đánh dấu bằng đám lúa sập ngả nghiêng, ở đó có cá mắc cạn vì không kịp xuống đìa.

Tát đìa bắt cá ăn tết. Ảnh: Dân Việt

Ông đứng trên bờ mẫu, chắp tay sau lưng nhìn quanh một lúc. Dường như giác quan thứ sáu cho ông biết rằng trong vô số cái ô trũng ấy chỗ nào nhiều cá trê vàng. Nhìn một lúc, ông vẫy tôi lội xuống cái bàu cạn giữa ruộng của chú Bảy Nhiều. Quả nhiên ông đoán đúng. Đi gần tới đã nghe tiếng cá trê ục ục. Một cái bàu cạn bằng ba cái nền nhà, nước còn chừng một tấc. Nghe tiếng động, cá trê chui vào ém trong gốc lúa sập. Ba tôi chỉ làm một động tác rất đơn giản: úp nhẹ hai bàn tay lên gốc lúa rồi từ từ moi ra một con cá trê vàng, con nào con nấy lớn hơn bắp tay, mập ú và vàng như nghệ.

Tuổi thơ nhà quê… Ảnh: B.N

Mặt trời sắp lặn…

Về nhà, tôi lấy cục xà bông Cô Ba với cái bàn chải xơ dừa ra bờ ao tắm gội, chà xát cho người trôi hết đất bùn rồi mặc bộ đồ mới, mang dép mới vô nhà. Mâm cơm đón rước ông bà tổ tiên vừa dọn ra: cá trê vàng nấu canh bắp cải, cá trê vàng kho tiêu, cá trê vàng nướng dầm nước mắm gừng…

Bữa cơm chiều ba mươi Tết ở Đồng Chó Ngáp chỉ có vậy mà đầm ấm, mà nhớ đời.

Võ Đắc Danh

(Trích từ giai phẩm Thế giới Tiếp thị Xuân 2020)

Có thể bạn quan tâm: