Bánh chưng “nhà mình”

“Em dân Bắc Năm Tư, quê bố ở Lạc Đạo, còn quê mẹ ở Báo Đáp”… Tôi hay nói một câu thật dài như vậy để ghi nhớ về cội nguồn, nơi được ghi trên chứng minh thư và nơi mà tôi, thậm chí cả bố tôi chỉ biết qua hình ảnh và những lời kể của bà nội.

Tuổi thơ trong gia đình ba thế hệ và thích kể chuyện để lại cho tôi cả một bầu trời ký ức về miền Bắc Việt Nam. Nào là những ngày đông rét như cắt, những phong tục làng xã, những món ăn theo mùa và cả những nếp nghĩ hay có, dở có mà bà hay đùa rằng: “Tao kể cho chúng mày nghe để biết đường mà tránh”!

Cách nửa vòng trái đất, bố tôi gói bánh chưng, rồi khoe: “Bánh nhà mình năm nay ngon lắm” dù nấu bằng nồi áp suất! Vậy là tết đã về trong lòng bố mẹ… Ảnh: T.Thảo

Bà mất lâu rồi. Gia đình ba thế hệ giờ đã thành bốn nhưng mỗi người mỗi nơi, không còn quây quần quanh trong một xóm nữa. Mấy ngày trước, mẹ tôi từ xa gọi về hỏi cách nấu bánh chưng bánh tét bằng nồi áp suất. Tôi vốn không thích mấy món bánh nếp gói lá dính dính đó nhưng lại thấy sống mũi mình cay, vui vì thấy tết đã về trong lòng bố mẹ.

Người dân xứ Bắc không thể thiếu bánh chưng ngày tết dù xa quê đã quá lâu như nội của tôi. Nhà nội, mỗi người một sinh kế nhưng bàn tay gói bánh không lẫn vào đâu được. “Tất thảy” – tôi thích dùng từ này của bà, từ bố tôi đến các cô chú, ai ai cũng đều biết gói bánh chưng! Dĩ nhiên là như vậy, mấy anh chị em của bố đi gói hộ nhà khác nhưng khi ăn, chỉ ăn bánh nhà mình. Đó là món bánh chưng “nhân ngọt – mà – phải – có – thịt”, không giống bất cứ một loại bánh nào bán ở ngoài hàng.

Nếu ngày thường ai cũng có thể mua vội chiếc bánh chưng Hố Nai (Đồng Nai) lót dạ một cách dễ dãi, nhưng ngày tết nhất định phải là bánh chưng nhà mình! Gạo nếp bắc, đậu xanh phải là đậu mốc (để phân biệt với đậu mỡ chứ không phải đậu bị mốc nhen), thịt ba chỉ, lá dong, ống giang… Tất cả mọi thứ đều ở mức độ tươi nhất và chưa sơ chế một tí nào. Tính chất “nhà mình” len lỏi trong từng khâu làm bánh: nhà đồ (hấp) đậu theo ý mình, giã đậu thật nhuyễn rồi trộn nhân, thịt không được ướp hành, tước lạt từ ống giang theo ý mình… Độ chắc tay của mỗi chiếc bánh cũng quan trọng không kém, chặt quá bánh sẽ cứng, còn lỏng bánh không đủ độ rền. Chính sự cầu kỳ đó mang lại niềm háo hức khi bóc chiếc bánh đầu tiên…

“Bánh nhà mình năm nay ngon lắm”, hôm qua mẹ tôi đã cập nhập thông tin đó cho chị em tôi từ đầu cầu bên kia, kể chuyện nấu bánh bằng nồi áp suất. Hai anh chị nhà gởi tấm hình gói bánh tuy có hơi mờ nhưng đó chính là ngày tết của tôi! Trong lúc nói chuyện với bố mẹ, tôi lại thấy buồn cười khi nhớ ngày xưa bà tôi và mẹ tôi hay chê bánh nhà người này có gừng, bánh nhà người kia có ướp hành vào thịt… Chắc nhà người ta cũng cười vì bánh “nhân ngọt – mà – phải – có – thịt” như mình cười người ta vậy. Nhưng với tôi, đó chính là bánh “nhà mình” trong mỗi người!

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm: