Cách đây hơn 20 năm, qua cầu Bình Điền đã ngửi ra mùi “miền Tây” với màu xanh của đồng ruộng, xóm làng… Bây giờ, câu hát: “Mỗi lần thấy bông ô môi nở hường trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang…” của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn giờ đã trở thành cổ tích.
Theo quy luật cuộc sống, sinh ra ắt có mất đi. Lục Tỉnh cũng vậy. Khu công nghiệp, khu dân cư lấn át cánh đồng, con diều giấy thưa dấn trên bầu trời, cách mua bán nghĩa tình nồng hậu “một chục không phải là mười” cũng thành ký ức!
Chỉ biết đếm
Người miền Tây ngày xưa đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy là chính, quần tụ thành phố thị “trên bến dưới thuyền” và những chợ nổi. Đường xa, tốc độ ghe chậm, trái cây dễ hư, con người lại phóng khoáng nên việc mua bán rất nhanh gọn, ít kỳ kèo bớt môt thêm hai. Trong bốn cách: cân – đo – đong – đếm, dân miệt vườn chọn cách đếm. Ngày xưa nếu có ai hỏi mua ký cam, quýt, dưa hấu… là chuyện mắc cười.
Tùy theo từng loại trái mà có những đơn vị đếm khác nhau. Những loại trái to có giá trị như dừa, dưa hấu, bưởi…, mua lẻ là một trái, là cặp (hai trái) hoặc là một chục. Mua sỉ, tính theo trăm, thiên (ngàn)… Với các loại quả nhỏ như cam, quýt, xoài… mua lẻ vẫn đếm, còn mua sỉ tính bằng cái “cần xé”.
Không chỉ trái cây mà ngay cả gà, vịt, trứng…, người miền Tây cũng đếm. Trừ cá giống con, trộn giữa đong và đếm. Múc vài vợt cá, đếm xem mỗi vợt có bao nhiêu cá con, từ đó lấy số trung bình mà tính. Một vợt là 120 con, 10 vợt tính thành 1 thiên 2 (1.200 con).
Một chục có đầu!
Đặc biệt của dân miền Tây là “chục có đầu”. Tức là “một chục” không phải là 10 mà là 11, 12, 14…. thậm chí là 18. “Chục có đầu” phổ biến đến mức được xem là mặc định trong giao dịch. Muốn lấy 1 chục là 10, phải nói rõ là chục trơn hay “1 chục bẻ đầu”.
Khi mua chục thuốc giồng (thuốc sợi để vấn hút hoặc ăn trầu), người bán sẽ đưa một xấp 10 bánh cột dây sẵn và 1 bánh rời, gọi là rê đầu, là chục 11. Đối với trái cây, một chục có thể là 12, 14, 16, 18… tùy theo loại trái và nơi bán! Thường trái cây rẻ tiền, con số chục càng lớn. Ở chợ Cái Bè (Tiền Giang), một “chục” quýt là 14 trái nhưng vào xã Mỹ Đức, chục quýt từ 16 hay 18 trái.
Trong cuốn “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, Nguyễn Hiến Lê viết:… “Ở Tân An, chục trái cây được tính từ 12 cho đến 16 trái; Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, chục trái cây (măng cụt, thơm, xoài…) là 12; ở Vĩnh Long bắp, xoài… tính chục là 16; Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) chục trái cây là 12, nhưng ở Mỏ Cày cũng là Bến Tre, vậy mà chục là 14…”
Nghĩa tình kẻ bán người mua
Người mua là khách phương xa, không rành số chục của từng vùng, cứ mua “một chục” người bán sẽ đếm đủ. Nhiều người mua tự đếm trái không đủ, người bán sẽ nhắc: “Lấy thêm 2 trái, lấy thêm 4 trái cho đủ chục”.
Khi nhà văn Sơn Nam còn sống, tôi hỏi vì sao “một chục có đầu”. Ông giải thích: “Đây là cách bù hao của người bán. Trái cây đi đường xa dễ dập, trứng gà trứng vịt dễ bể. Bù hao một chút, được cái tình, chuyện mua bán sẽ bền chặt. Tánh rộng rãi của người Miền Tây là vậy đó”.
Cách giải thích của ông nhà văn Sơn Nam nghe có lý thiệt. Nhưng mà “sao những anh chàng Ngũ Quảng” có tính tiện tặn “từng xu từng cắc”, vậy mà vô tới miền Tây lại sanh ra hào phóng, bán hàng không cân kéo mà cũng đếm trái theo kiểu một chục có đầu! Chắc “nhập gia tùy tục”!
Người Hoa, Khmer ở miền Tây cũng vậy. Cứ nhìn lại những tiệm chạp-pô, dù có đủ cân – đong – đo nhưng đa phần vẫn dùng cách đếm. Các loại bánh tính bằng cây, bánh in nhưn đậu xanh 1 cây 10 cái, bánh xà lam xưa 10 cái, nay chỉ còn 6 cái/cây. Thuốc rê tính miếng, khi bán kèm cuộn giấy quyến. 1 cây đường cát trắng hay vàng nặng 12kg, khi bán chỉ tính tiền 10kg.
Cách tính “một chục không phải là mười” song trùng với cách ứng xử giữa kẻ bán người mua lần hồi chết hẳn. Miền Tây của thời “một chục không phải là mười” giờ đang ở đâu?
Anh Kiệt
(Trích giai phẩm Thế giới Tiếp thị xuân 2020)