Phí SMS banking 11.000 đồng/ tháng/ thuê bao, chắc gì nhà mạng đã “khóc”?

Hôm qua, 2.3.2022, các nhà mạng di động (Viettel, VinaPhone, MobiFone…) đã “chốt” với ngân hàng về mức phí SMS banking trọn gói là 11.000 đồng/ tháng/ thuê bao. “Cuộc chiến” về giá cước tin nhắn giữa ngân hàng và nhà mạng bùng lên từ giữa tháng 2 vừa rồi đã được giải tỏa. Nhưng…

Trên trang facebook cá nhân, ông L.M (Thủ Đức, TP.HCM) viết: “Ngân hàng đã giành thắng lợi trong cuộc ngã giá từ trước đến nay với nhà mạng về phí dịch vụ viễn thông, cụ thể là tin nhắn SMS”. “Thắng lợi” của ngân hàng theo câu chữ của ông L.M ở đây là gì? Suy xét nhiều chiều, theo thiển ý của Di Động Việt Nam, đó là “đẩy hết nỗi bực dọc của khách hàng về phía các nhà mạng một cách hợp lý”, “điều chỉnh giá cước mới theo hướng có lợi cho ngân hàng và khách hàng”…

Nhà mạng và ngân hàng đã chốt phí SMS banking trọn gói là 11.000 đồng/ tháng/ thuê bao nhưng chưa biết bao giờ có hiệu lực. Ảnh: A.T

Theo thông tin từ các nhà mạng, với những khách hàng lớn như ngân hàng, bán lẻ… có hàng triệu thuê bao sử dụng, nhà mạng sẽ bán các dịch vụ như: thoại, tin nhắn SMS… theo gói với giá sỉ. Nhà mạng sẽ theo dõi lượng tin nhắn trên từng thuê bao thông qua hệ thống riêng, sau đó báo lại cho ngân hàng, bán lẻ… biết để trừ vào tài khoản của thuê bao – khách hàng cuối cùng.

Nhiều nhà bán lẻ coi những gói cước SMS đó như là công cụ tiếp thị với giá siêu rẻ nên miễn phí cho khách hàng. Còn ngân hàng, dựa trên dữ liệu của nhà mạng cung cấp dành cho từng thuê bao mà trừ vào tài khoản của khách hàng, là một loại phí dịch vụ. Cần chú ý rằng, các nhà mạng không hề thu tiền cước SMS Banking trong thông báo cước cuối kỳ của thuê bao.

SMS là dịch vụ cần thiết với các tài khoản ngân hàng. Ảnh: A.T

Nói rõ hơn về hình thức mua giá sỉ – bán giá lẻ xoay quanh tin nhắn SMS của ngân hàng. Từ những gói giá sỉ, từng ngân hàng sẽ “chẻ” thành những gói nhỏ hơn theo hình thức bậc thang. Trong một bài báo của Tuổi Trẻ hôm 20.2.2022 cho biết: “… Nếu số lượng tin nhắn trong tháng dưới 20 tin, Vietcombank thu phí 11.000 đồng/ tháng; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn là 27.500 đồng/ tháng; từ 50 đến dưới 100 tin là 55.000 đồng/ tháng; từ 100 tin nhắn trở lên là 77.000 đồng/tháng”. Cũng trong bài báo trên còn có nhiều thông tin, như: “Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo thu phí SMS Banking theo số lượng tin nhắn: từ 0-15 tin nhắn/ tháng thu phí 9.900 đồng, từ 16-50 tin nhắn/ tháng thu phí 33.000 đồng, từ 51-100 tin nhắn/tháng thu phí 60.500 đồng và từ 100 SMS/ tháng trở lên thu phí 77.000 đồng”…

Trong khi đó, giá tin nhắn của các nhà mạng thu của từng thuê bao dao động từ 200 – 350 đồng/ tin nhắn tùy theo gói cước, nội mạng hay ngoại mạng… Bạn đọc chỉ cần nhẩm nhẩm “trong vòng 1 nốt nhạc” sẽ thấy ngân hàng kiếm thêm “vài chục ngàn đồng lẻ”/ thuê bao/ tháng! Mà đó là tính giá kịch khung, còn theo giá sỉ (chừng vài chục đồng cho mỗi tin nhắn”, con số đó lớn tới mức nào. Có trừ chi phí quản trị dịch vụ này, cũng còn dư rất nhiều nhiều!

Nhiều tài khoản chỉ cần sóng 2G là nhận được tin nhắn SMS banking của ngân hàng… Ảnh: A.T

Trở lại với gói cước 11.000 đồng/ tháng/ thuê bao về phí SMS banking của ngân hàng với từng thuê bao. Vì chưa tiếp cận được văn bản có nhiều chữ ký này nên chưa rõ phần việc của nhà mạng và ngân hàng như thế nào. Theo dự báo của Di Động Việt Nam, với mức gói 11.000 đồng/ tháng, có thể nhà mạng sẽ thu vào báo cước dịch vụ cuối kỳ dành cho từng thuê bao. Vì lúc này, ngân hàng đâu còn kiếm chác được gì với dịch vụ này! Nếu đúng như vậy, sẽ còn nhiều thứ đáng lo ngại lắm.

Chờ coi điều gì sẽ xảy ra trong vài ngày tới…

Minh Tú

Có thể bạn quan tâm: